Khoa học công nghệ: Động lực nâng cao chất lượng đàn lợn

12:00 | 02/10/2024

Chất lượng đàn lợn, đặc biệt là lợn con sơ sinh chính là nền tảng vững chắc cho một trang trại chăn nuôi hiệu quả. Bên cạnh mở rộng quy mô sản xuất, việc đầu tư vào cải thiện giống không chỉ nâng cao năng suất mà còn là cách để tối ưu hóa lợi nhuận.

Nhận thức rõ ràng về vai trò quan trọng của khoa học công nghệ trong sự phát triển của ngành chăn nuôi, Tập đoàn Cooperl – đơn vị hàng đầu tại Pháp trong lĩnh vực cung cấp lợn giống, đã phối hợp cùng các đối tác IMV Technologies – nhà cung cấp thiết bị phòng tinh hàng đầu tại Pháp, và Công ty CP Thú y Megavet Việt Nam – đơn vị phân phối độc quyền của IMV Technologies tại Việt Nam, tiên phong tổ chức hội thảo “Ứng dụng khoa học công nghệ tối ưu hiệu quả sản xuất chăn nuôi lợn đực giống”. Hội thảo diễn ra vào ngày 24/9 tại Bắc Ninh và ngày 26/9 tại TP. Hồ Chí Minh, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc áp dụng công nghệ hiện đại vào ngành chăn nuôi lợn tại Việt Nam.


Toàn cảnh Hội thảo tổ chức ngày 26/9 tại TP. Hồ Chí Minh

Lợn giống cụ kỵ, ông bà nhập khẩu tăng đáng kể qua các năm

Chia sẻ tại hội thảo, PGS.TS Đỗ Đức Lực, Bộ môn Di truyền – Giống Vật nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, theo số liệu thống kê hiện nay, tổng đàn lợn Việt Nam đạt 25,6 triệu con, đàn nái chiếm 11,36% và 467 cơ sở sản xuất giống. Tuy nhiên, nguồn gen giống cụ kỵ vốn đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện chất lượng đàn mới chỉ chiếm 15% (20.300 con) so với 85% (114.700 con) là nái giống ông bà.


PGS. TS Đỗ Đức Lực, Bộ môn Di truyền – Giống vật nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Ngành công nghiệp chăn nuôi lợn Việt Nam chủ yếu sử dụng các giống heo ngoại nhập như Yorkshire, Landrace, Duroc và Pietrain. Việc nhập khẩu giống từ các quốc gia như Pháp, Đan Mạch, Tây Ban Nha đã tăng mạnh trong những năm gần đây, góp phần nâng cao chất lượng đàn.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2015 – 2020, việc nhập khẩu giống ông bà và cụ kỵ để phát triển đàn giống trong nước ngày càng tăng. Năm 2015, Việt Nam đã nhập khẩu 4.181 con giống với tổng giá trị khoảng 2.66 triệu USD. Đến năm 2020, con số này đã tăng lên đáng kể, đạt 43.806 con, tương đương 27.42 triệu USD. Việc nhập khẩu giống lợn ngoại nhập đã góp phần nâng cao chất lượng đàn lợn Việt Nam.


Cơ cấu lợn đực giống tại Việt Nam (Theo Vũ Đình Tôn, 2024)

Cải thiện chất lượng lợn con là chìa khóa tăng lợi nhuận

Chia sẻ tại hội thảo, ông Julien Rogon, Giám đốc Cooperl Việt Nam cho biết, chi phí sản xuất trong chăn nuôi lợn tại Việt Nam hiện đang cao hơn đáng kể so với Pháp. Cụ thể, giá thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam dao động từ 15 – 20 triệu đồng/tấn, gấp rưỡi đến gấp đôi so với mức 10 triệu đồng/tấn tại Pháp. Trong khi đó, giá lợn hơi tại Việt Nam khoảng 60.000 đồng/kg, cao hơn mức 48.000 đồng/kg tại Pháp. Việc tối ưu hóa chi phí trong chăn nuôi là thách thức lớn nhất mà người chăn nuôi lợn Việt Nam phải đối mặt. Lợi nhuận là mục tiêu cuối cùng mà mọi người chăn nuôi đều hướng tới. Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của trang trại, trong đó chất lượng lợn con sơ sinh là một yếu tố then chốt.


Ông Julien Rogon, Giám đốc Cooperl Việt Nam
 Chất lượng lợn con là yếu tố khởi đầu cho một chu trình sản xuất hiệu quả. Lợn con khỏe mạnh và đồng đều giúp giảm tỷ lệ chết, tăng tốc độ tăng trưởng và cải thiện chất lượng thịt, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế. Để đạt hiệu quả tối ưu, các trang trại cần chú trọng nâng cao chất lượng đàn nái, cải thiện môi trường và áp dụng biện pháp chăm sóc khoa học cho lợn con.
 

Một trang trại hiệu quả là nơi có số lượng lợn con đồng đều, trọng lượng sơ sinh và cai sữa tốt, cùng hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) tối ưu, đảm bảo lợi nhuận bền vững. Tuy nhiên, tăng năng suất không kiểm soát có thể làm giảm chất lượng lợn con, ảnh hưởng đến hiệu suất tổng thể. Vì vậy, cần tìm sự cân bằng giữa năng suất và chất lượng để tối ưu hóa lợi nhuận.

 

Nghiên cứu thực tế từ Cooperl đã chứng minh rằng, ứng dụng nguồn gen cải tiến từ Nucleus đã nâng trọng lượng trung bình của lợn con sơ sinh từ 1,375 kg lên 1,453 kg và giảm tỷ lệ lợn con dưới 1kg từ 14,9% xuống 10,6% trong giai đoạn 2016 – 2023. Sự thay đổi này đã giúp tối ưu hóa đáng kể hiệu quả sản xuất và lợi nhuận cho người chăn nuôi.

“Kết hợp biện pháp kỹ thuật hiện đại và quản lý chặt chẽ sẽ giúp người chăn nuôi nâng cao năng suất, giảm chi phí và tăng lợi nhuận”, ông Julien nhấn mạnh.

Cải thiện chất lượng lợn con thông qua tối ưu hóa dinh dưỡng cho nái

Dinh dưỡng cho nái hậu bị đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe và khả năng sinh sản của đàn lợn. Do vậy, chế độ ăn cần được điều chỉnh linh hoạt theo từng giai đoạn để đạt được trọng lượng và độ dày mỡ lưng lý tưởng trước khi phối giống.

Theo TS. Patrapan Rungcharoen, Giám đốc dinh dưỡng và chuyển đổi số Cooperl Asia, việc xây dựng công thức thức ăn chính xác dựa trên các chỉ tiêu dinh dưỡng, kết hợp với nguyên liệu chất lượng cao và phần mềm quản lý chuyên dụng giúp tránh các vấn đề về sức khỏe và đảm bảo nái có thể sinh sản hiệu quả.

TS. Patrapan Rungcharoen khuyến cáo, trong giai đoạn phát triển từ 30 – 115 kg, lợn cần đạt tăng trọng trung bình 800 g/ngày và đạt trọng lượng 115 kg sau khoảng 180 ngày. Mỡ lưng mục tiêu là 10 – 12mm. Khẩu phần ăn cần điều chỉnh linh hoạt theo môi trường và tăng trưởng của từng con. Nái hậu bị không đạt trọng lượng tối ưu có thể giảm hiệu suất sinh sản và lượng sữa, trong khi nái quá béo có thể gây ra vấn đề về xương khớp, chân móng và các rối loạn khác.

 

T.S Patrapan Rungcharoen, Giám đốc dinh dưỡng và chuyển đổi số Cooperl Asia

Chế độ dinh dưỡng của nái hậu bị chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (180 ngày tuổi đến 3 tuần trước khi phối) cần cho ăn hạn chế 2,4 – 2,6 kg/ngày. Giai đoạn 2 (3 tuần trước khi phối) cần tăng lên 2,6 – 2,8 kg/ngày để cải thiện khả năng lên giống. Thể trạng tối ưu khi phối là 14 – 15 mm mỡ lưng, trọng lượng 150 kg, và 265 ngày tuổi; trong khi đó, thể trạng lúc đẻ cần đạt 18 – 19 mm mỡ lưng và 380 ngày tuổi.

Đối với nái rạ, lượng thức ăn phụ thuộc vào chỉ số mỡ lưng, được khuyến cáo là 14 – 15 mm lúc phối và 18 – 19 mm lúc đẻ. Đối với nái nuôi con, TS. Patrapan Rungcharoen khuyến nghị, mỡ lưng đạt 14 – 15 mm, giảm thêm 4 mm và giảm khoảng 10% trọng lượng để tăng sản lượng sữa, tối ưu trọng lượng và số lượng lợn con cai sữa.

Cuối cùng, theo TS. Patrapan Rungcharoen bữa ăn cuối cùng trước khi đẻ có ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ sống của heo con. Thời gian đẻ kéo dài sẽ giảm tỷ lệ sống, vì vậy cần điều chỉnh chế độ ăn và quản lý trại để rút ngắn thời gian đẻ của nái.

“Việc xây dựng công thức thức ăn chính xác và cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho từng giai đoạn phát triển sẽ giúp nái có sức khỏe tốt, tỷ lệ thụ thai cao và khả năng nuôi con hiệu quả”, TS. Patrapan Rungcharoen kết luận.

Cải thiện chất lượng lợn con thông qua nâng cao chất lượng tinh

Theo ông Daniel Enrique, chuyên gia kỹ thuật của Dabaco, việc tối ưu hóa sự phát tán các gen ưu việt đã mang lại sự cải thiện rõ rệt cho hiệu suất chăn nuôi lợn. Cụ thể, với việc sử dụng  tinh trùng  của 1 con lợn đực có cải thiện sinh trưởng vượt trội 50g  cho đàn lợn  nuôi 1000 con lợn nái có thể tăng sản lượng  ở đàn nuôi thịt thêm 250 tấn thịt lợn/năm.

 
Ông Daniel Enrique, chuyên gia kỹ thuật Dabaco

Công ty TNHH Dabaco Việt Nam, một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực chăn nuôi lợn tại Việt Nam, đã ghi dấu ấn với nhiều bước tiến ấn tượng trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất. Với nguồn giống heo đực nhập khẩu trực tiếp từ Nucleus – Pháp (Cooperl), phục vụ cho đàn nái lên tới 60.000 con và sản lượng thịt lợn hàng năm đạt 100.000 tấn, Dabaco không ngừng nỗ lực áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến để tối ưu hóa quy trình sản xuất. Để cải thiện lợi nhuận, công ty đã đầu tư vào kỹ thuật thụ tinh nhân tạo hiện đại, và khoản đầu tư này đã mang lại nhiều thành công đáng kể.

Gần đây, công ty đã thành công trong việc ứng dụng công nghệ phân tích tinh dịch CASA, hoàn toàn thay thế phương pháp truyền thống. Nhờ đó, Dabaco đã đạt được những kết quả ấn tượng, với tỷ lệ thụ thai tăng lên 93,37% và số lượng heo con mỗi lứa đạt 15,11 con, đồng thời tiết kiệm chi phí và thời gian trong sản xuất. Việc phân tích chính xác hình thái tinh trùng thông qua CASA đã giúp Dabaco lựa chọn những con đực giống chất lượng cao nhất, từ đó nâng cao chất lượng đàn lợn và đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

“Công nghệ CASA của IMV Technology cho phép phân tích hàng nghìn tinh trùng trong một mẫu, cung cấp thông tin chi tiết về số lượng tinh trùng sống, khả năng di chuyển, hình thái và kích thước”, ông Daniel Enrique cho biết thêm.

Việc ứng dụng công nghệ CASA tại Dabaco không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần nâng cao chất lượng thịt lợn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về sản phẩm an toàn, chất lượng. Đây là một minh chứng rõ ràng cho thấy việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp là vô cùng cần thiết để nâng cao năng suất và cạnh tranh. Các sản phẩm công nghệ do Công ty IMV Technologies sản xuất hiện đang được Công ty CP Thú y Megavet Việt Nam phân phối độc quyền.

Rõ ràng, bên cạnh việc mở rộng quy mô sản xuất, cải thiện chất lượng giống là yếu tố then chốt cho sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi lợn Việt Nam và nâng cao vị thế trên thị trường quốc tế. Hội thảo kết thúc đã mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới trong việc ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao chất lượng con giống. Trong tương lai, chúng ta có thể kỳ vọng sẽ xuất hiện nhiều công nghệ tiên tiến, góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi lợn tại Việt Nam.

  

Khách mời tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm tại Hà Nội
Tin nhachannuoi.vn

Các tin khác

   
Xem tin theo
   
 
Trang chủ|
Giới thiệu|
Tuyển dụng|
Câu hỏi thường gặp
   
CÔNG TY CỔ PHẦN TẬP ĐOÀN DABACO VIỆT NAM
Địa chỉ : Số 35 - Đường Lý Thái Tổ  - Thành Phố Bắc Ninh - Tỉnh Bắc Ninh
Điện thoại : (0222) 3826077 - 3895111. Fax : (0222) 3826095 - 3825496
Email : contact@dabaco.com.vn. Website: http://www.dabaco.com.vn
@2012 Bản quyền thuộc về Dabaco.com.vn. Ghi rõ nguồn dabaco.com.vn khi phát hành lại thông tin từ Website này

Số thành viên online  50      

Số lượt truy cập  26.938.739    

Thiết kế web:FINALSTYLE