Đầu năm, thị giá DBC của Dabaco chỉ quanh ngưỡng 20.000 đồng, thậm chí còn lùi về dưới 15.000 đồng vào cuối tháng 3 khi chứng khoán bị bán tháo. Nhưng chỉ trong hơn 2 tháng sau đó, mã này đã tăng vọt lên mức đỉnh gần 60.000 đồng, gấp gần 4 lần mức đáy ngắn hạn, hiệu suất vượt xa sự phục hồi của VN-Index và phần nhiều các cổ phiếu với mức tăng phổ biến trong ngưỡng hai con số.
Ông Nguyễn Như So, Chủ tịch Dabaco vừa trả lời VnExpress về đà tăng đột biến của giá cổ phiếu này và hoạt động kinh doanh của công ty.
- Ông nghĩ sao khi có người gọi cổ phiếu Dabaco là "thánh gióng", nhất là giai đoạn tăng trưởng của DBC cùng với thời gian giá thịt lợn phi mã vừa rồi?
- Thực sự mà nói, tôi rất ít khi xem bảng giá chứng khoán, cũng không quan tâm nhiều đến cổ phiếu. Nếu so sánh với bảng giá chứng khoán thì tôi xem bảng giá thịt lợn, giá nông sản Trung Quốc nhiều hơn. Dabaco cũng vậy, chúng tôi không quan tâm nhiều đến cổ phiếu nên trước đây ít được nhà đầu tư chú ý. Sự tập trung của thị trường vào công ty chỉ mới xuất hiện khi lợi nhuận tăng cao, cùng thời điểm với giá lợn đạt đỉnh.
Có lẽ vì thế mà nhiều người nghĩ cổ phiếu của công ty này "lên nhờ con lợn" nhưng thực ra, kết quả này là sự tổng hòa của nhiều yếu tố. Bản thân Dabaco cũng chấp nhận hy sinh lợi nhuận, bán lợn với giá thấp để đồng hành với thị trường thì sao có thể lên nhờ con lợn.
Nhiều nhà đầu tư vẫn nghĩ chúng tôi chỉ làm chăn nuôi, nhưng Dabaco đi theo mô hình 3F (Farm - Food - Feed), tức là làm từ nông trại con giống, thức ăn chăn nuôi cho tới thực phẩm chế biến sâu và sự đóng góp của ba mảng này là tương đương.
Chúng tôi sản xuất thức ăn chăn nuôi nhiều vì quy mô chăn nuôi lớn. Nếu xét về các doanh nghiệp chăn nuôi Việt Nam, chúng tôi đứng đầu về quy mô trang trại lợn. Năm 2019, chúng tôi xuất bán ra thị trường hơn 45.700 tấn thịt. Chăn nuôi nằm ở "Farm" nhưng đó không phải tất cả của Dabaco.
Thực phẩm chế biến sâu của Dabaco cũng bán rất nhiều, đa dạng. Trong tương lai, khi Dabaco mở rộng hơn, mô hình 3F sẽ sâu hơn.
Nửa đầu năm nay, Dabaco báo lãi trước thuế hơn 800 tỷ đồng, gấp 20 lần cùng kỳ năm trước. Những năm trước kết quả kinh doanh không quá tích cực vì chúng tôi đầu tư rất mạnh cho việc mở rộng, chi phí hoạt động cao, nhiều dự án dở dang, làm dồn dập nên chi phí "ngốn" hết lợi nhuận. Những nhà máy sản xuất giống nếu muốn đủ công suất thì cần thời gian hoạt động, cần lấp đầy chuồng trại rồi mọi thứ mới có thể "quay tròn". Và khi mọi thứ đã thành hình, các nhà máy đi vào hoạt động thì dòng tiền đã tích cực hơn.
- Với hơn 16,6 triệu cổ phiếu Dabaco, ở mức đỉnh gần nhất, tài sản của ông có lúc đạt gần 1.000 tỷ đồng. Giá thịt lợn tăng phi mã ở Trung Quốc đã sản sinh ra tỷ phú thịt lợn, ông có nghĩ mình sẽ là trường hợp tương tự tại Việt Nam?
- Chưa bao giờ tôi phấn đấu trở thành tỷ phú. Tôi cũng không đếm xem mình có bao nhiêu tiền. Nếu có ai hỏi giờ cổ phiếu tôi cầm có giá trị bao nhiêu thì tôi chịu, không thể nhớ được. Không phải tiền, điều mà tôi thích nhất là năng suất phải tăng. Nhân viên hay các bác nông dân dùng giống của Dabaco mà nói với tôi rằng tháng này năng suất tăng thì tôi thích lắm.
- Tại sao lại là năng suất?
- Ở Dabaco, tôi không bao giờ chỉ đạo làm sao để có lãi cao nhất. Điều này nghe có vẻ là vô lý, làm doanh nghiệp mà lại không hướng tới lợi nhuận thì hướng tới điều gì. Thực ra, có nhiều cách để có tiền. Bạn kiếm được lợi nhuận bằng việc tăng giá bán, nhưng cũng có thể bằng việc tối đa hóa năng suất, tối đa hóa đầu ra sản phẩm. Vì thế, với chúng tôi, dứt khoát phải đạt năng suất cao nhất, con giống chất lượng nhất.
Giờ không thể ép người nông dân mua giá cao để lấy lợi nhuận được. Lợi nhuận vì thế nằm ở năng suất. Một con lợn nái của Việt Nam sinh sản trung bình một năm có thể được 22-24 con, tương tự Trung Quốc. Nhưng với Dabaco, chúng tôi phấn đấu năng suất bằng các nước châu Âu là 28-29 con. Chúng tôi sẽ lãi từ thế.
Câu chuyện của ngành nông nghiệp là lợi nhuận song hành với lòng tin. Bạn làm đúng, làm chuẩn thì người nông dân sẽ theo. Mà cách đi cùng với người nông dân bền vững nhất chính là bằng con đường chân thành, không phải những điều mỹ miều. Đi thăm những hộ chăn nuôi, có thế nào thì họ cũng phải bắt ông So ở lại ăn bữa cơm sau khi mời tôi xuống xem đàn lợn. Đó là hạnh phúc chứ còn gì nữa!
- Nhưng câu chuyện giá lợn có vẻ đi hơi ngược lại những gì ông nói, khi giá thịt lợn cao vừa qua là yếu tố giúp Dabaco có lợi nhuận cao?
- Ở một thị trường lớn, một mình Dabaco đâu thể chi phối được, câu chuyện giá thịt lợn phải nhìn từ khía cạnh cung - cầu. Nguồn cung sụt giảm do dịch tả lợn châu Phi trong khi nhu cầu vẫn giữ ổn định kéo theo việc tăng giá.
Nhiều người đổ lỗi cho khâu trung gian, cho đơn vị sản xuất găm hàng, nhưng không phải vậy. Nuôi lợn quy mô lớn không thể ở gần các thành phố mà thường ở các tỉnh xa, như ngoài Bắc này là cách Hà Nội khoảng 300 km, vì thế khâu trung gian là điều bắt buộc phải có. Hiện nay các bước trong sản xuất cũng được chuyên môn hóa, lò mổ riêng rồi người đi rao riêng, tới người bán lẻ, cuối cùng mới đến người tiêu dùng. Mỗi bước chỉ cần tăng một chút, khoảng 1.000 đồng thì 10 bước trung gian đã tăng 10.000 đồng.
Có người nói việc giá thịt lợn tăng cao do các đơn vị sản xuất "găm hàng", nhưng trong sản xuất, tôi nói thật, găm hàng thực sự rất khó. Chúng tôi nuôi lợn, đến ngày, đến tháng, đủ cân thì phải xuất chuồng, không thể cứ để mãi đó. Tất nhiên có một số trường hợp họ muốn đàn lợn đạt trọng lượng cao hơn, ví dụ trước đây xuất chuồng ở ngưỡng 100 kg thì nay họ nuôi lên 110, 120 kg mới bán. Nhưng cái này không gọi là găm hàng bởi thực tế lượng thịt cung ứng cũng tăng cùng chiều với thời gian nuôi thêm.
- Theo ông, vấn đề này nên được giải quyết như thế nào?
- Những giải pháp như nhập thịt đông lạnh, nhập lợn nguyên con đúng là có thể tăng nguồn thịt lợn, nhưng theo tôi là chưa đủ. Làm gì có quốc gia nào chuẩn bị lợn nhiều để bán cho Việt Nam, Trung Quốc. Bài toán này gốc rễ vẫn nằm ở chính trong từng nước. Muốn hạ nhiệt, việc quan trọng nhất phải làm là tăng đàn.
Muốn làm được điều này nhanh nhất thì phải hỗ trợ, nhưng không phải hỗ trợ doanh nghiệp mà là hỗ trợ nông dân. Giá con giống ở mức cao, cùng các khoản chi phí khác kéo theo giá thành sản xuất một kg thịt lợn thành phẩm tới 73.000-74.000 đồng, ít ra người nông dân phải có lãi 5-15% thì họ mới làm, vì thế mà giá thịt lợn vẫn neo cao. Khi nguồn cung tăng lên, giá vốn giảm xuống thì giá thịt lợn sẽ giảm ngay.
Một trong những cách nhanh nhất là chúng ta cần xây dựng các chương trình hỗ trợ tín dụng, khoanh nợ, giảm nợ, cho vay mới. Đặc biệt là tín dụng, các ngân hàng cần có chính sách đặc thù riêng cho nhóm này, bởi nếu giờ mà vẫn áp những quy định cũ về tài sản đảm bảo thì thực sự là rất khó. Người dân không mang bìa đỏ ra thì sao ngân hàng cho vay, nhưng bìa đỏ từ lần vay trước chưa trả được, "lợn ăn hết bìa đỏ" rồi thì làm sao mà vay tiếp được.
- Trở lại với Dabaco, sau nhiều năm lăn lộn trong nghề, ông nghĩ sao về con đường "làm nông"?
- Làm nông nghiệp trước hết phải có tâm, phải am hiểu thật. Nhiều người nói kinh doanh giờ đơn giản, thấy người ta làm thì mình bắt chước. Với lĩnh vực khác thì tôi không biết nhưng riêng với nông nghiệp, muốn làm là phải nghiên cứu sâu, rủi ro của nó là gì, khắc phục như thế nào. Chúng tôi luôn đặt tiết kiệm lên hàng đầu nhưng chưa bao giờ chọn tiết kiệm trong nghiên cứu, tiết kiệm trong việc tạo ra những con giống tốt. Không phải cứ cấp dưới trình lên cái nào rẻ thì tôi chọn.
Điều thứ hai tôi rút ra là làm gì cũng phải đúng quy trình. Quy trình sản xuất, quy trình phòng bệnh, những thứ này nếu sai sẽ gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm. Có một điều mà ban lãnh đạo tại Dabaco luôn nói với nhân viên là đừng ăn bớt, ăn xén trong những quy trình này. Với lĩnh vực khác, có thể "chống" là quan trọng, nhưng riêng với nông nghiệp, "phòng" mới là khâu quan trọng nhất. Dịch tả lợn châu Phi đã gây ra khó khăn chưa từng có với ngành chăn nuôi, nhưng ai biết được sau này xuất hiện một loại dịch tả khác. Như gia cầm, không biết đã có bao nhiêu loại chủng cúm gia cầm khác nhau.
Mục tiêu không phải giàu nhanh mà là phát triển sao cho bền vững. Làm nông nghiệp, muốn giàu nhanh chỉ có đi cướp của dân.