Buổi lễ trao Quyết định niêm yết của Tập đoàn Dabaco sáng 26/7.
Bên lề buổi lễ trao Quyết định niêm yết của CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Mã:DBC), liên quan đến dịch tả heo châu phi, ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT cho biết, thực ra dịch tả heo ở các nước trong khu vực châu Á đã xảy ra từ 2018. Hiện các tỉnh ở Trung Quốc, giáp biên với nước ta có giá thịt heo khoảng 74.000 đồng/kg.
Tại thị trường Việt Nam, dịch tả heo diễn ra từ đầu năm nên ngành chăn nuôi cũng bị ảnh hưởng. Hiện nay giá bình quân ở thị trường phía nam khoảng 28.000 -35.000 đồng/kg, còn phía bắc khoảng 38.000 - 42.000 đồng/kg.
Theo ông So, các mức giá trên chưa phản ánh hết và thấp hơn so với giá thành. Chi phí sản xuất thịt cao hơn thời điểm chưa có dịch. Chủ tịch Dabaco cho rằng, thi trường thịt heo dạo gần đây không phản ánh cung cầu mà thể hiện sự bán tháo của các hộ chăn nuôi. "Tôi nghĩ rằng với tình hình hiện nay thì khoảng độ 10-15 ngày nữa thì giá thịt heo sẽ tăng. Theo đánh giá chung của Cục chăn nuôi, tổng đàn heo cả nước giảm khoảng 10% nhưng chúng tôi cho rằng, tổng đàn đã giảm khoảng 45%", ông So nói. Điều này sẽ khiến nguồn cung thịt heo bị thâm hụt và đương nhiên giá phải tăng lên. Ông So hy vọng 4 tháng cuối năm, thị trường heo sẽ hồi phục và kéo dài trong năm 2020. Bên cạnh đó, tổng đàn heo giảm sẽ giảm thiệt hại cho các nhà chăn nuôi chuyên nghiệp.
Hiện nay, trên thế giới vẫn chưa có vắc xin nên những doanh nghiệp nào làm tốt an toàn sinh học thì sẽ hạn chế dịch. Nói về nguyên nhân lãi sau thuế quí II//2019 giảm 91%, ông So cho biết, do bệnh dịch nên đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của công ty. Dù nguồn thịt của công ty không bị dịch nhưng do giá thịt bán trên thị trường giảm nên ảnh hưởng đến giá bán. Dabaco sản xuất với giá thành 42.000 đồng/kg nhưng chỉ bán 28.000 đồng/kg. Dù lãi sau thuế giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm nhưng Dabaco cho rằng 4 tháng cuối năm sẽ hồi phục và hoàn thành kế hoạch kinh doanh. Đối với mảng thịt mát, ông So chia sẻ, công ty đã nghĩ đến việc này 5 năm rồi nhưng khi đánh giá thị trường thì thấy không ổn. Do thói quen người tiêu dùng nên công ty vẫn chưa lấn sang mảng này.