Đại biểu Nguyễn Như So.
Mặc dù cùng lúc phải đối mặt với hàng loạt khó khăn chưa từng có tiền lệ như: xung đột Nga-Ukraine; biến đổi khí hậu; hậu quả của dịch COVID-19, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, tuy nhiên, bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm 2022 sau ¾ chặng đường ghi nhận nhiều điểm sáng về xuất khẩu, kiểm soát lạm phát, tốc độ tăng trưởng GDP… Đây là minh chứng cho hướng đi riêng, linh hoạt và thích ứng trong chính sách điều hành của ta.
Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, quy mô khiêm tốn, dễ chịu tổn thương từ những biến động của thế giới, cộng đồng doanh nghiệp chính là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng quốc tế, chi phí đầu vào tăng mạnh,… chỉ riêng chi phí logistics của ta đã chiếm khoảng 20% GDP, gấp đôi so với các nước tiên tiến. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 9 tháng năm 2022 vẫn tăng gần 25% so với cùng kỳ năm 2021.
Bài toán đặt ra: Làm thế nào để các doanh nghiệp chuẩn bị được sức khỏe tốt, hạn chế tác động từ bên ngoài và phát triển vững mạnh, trở thành nòng cốt cho phát triển kinh tế? Theo tôi, cần một số giải pháp:
Một là, tập trung ưu tiên tháo gỡ các rào cản, nút thắt về thể chế, đặc biệt là hai chỉ số kém cạnh tranh nhất là Hoạt động của khu vực công và Quyền tài sản, bao gồm cả sở hữu trí tuệ và chất lượng hành chính đất đai, nhằm cải thiện khả năng cạnh tranh, gia tăng niềm tin của doanh nghiệp và dân chúng.
Cần thay đổi tư duy cải cách thể chế theo hướng đồng hành, hỗ trợ, coi doanh nghiệp là đối tác thay vì là đối tượng bị quản lý, từng bước chuyển sang giai đoạn quản trị. Hoàn thiện các yếu tố then chốt như cơ sở dữ liệu thống nhất, nguồn lực con người và chính sách thực thi để xây dựng thành công Chính phủ điện tử, tăng cường chất lượng dịch vụ công, cập nhật khung pháp chế và thể chế mạnh nhằm đảm bảo quyền tài sản và sở hữu trí tuệ, tạo môi trường thuận lợi cho việc thương mại hóa ý tưởng kinh doanh, bởi không nhà đầu tư nào muốn đầu tư vào nơi mà tài sản và trí tuệ của họ không được bảo vệ.
Hai là, xây dựng các chính sách đặc thù, nhất quán về đất đai, tiếp cận nguồn vốn, cải thiện môi trường kinh doanh lành mạnh nhằm khơi dậy sức mạnh nội lực của khối doanh nghiệp nội địa, đủ khả năng trở thành đối trọng, đối tác, những mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị sản xuất – cung ứng với khối FDI, qua đó thúc đẩy phát triển kỹ năng quản trị, chuyển giao công nghệ, hình thành các chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu và cụm liên kết ngành, tạo thế cân bằng giữa các thành phần kinh tế.
Bên cạnh hỗ trợ khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần hướng trung tâm của chính sách vào việc đẩy mạnh vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực có tính nền tảng, then chốt như lĩnh vực sản xuất công nghiệp, máy móc, thiết bị, sản phẩm thiết yếu, giống cây trồng, vật nuôi, sản phẩm có thế mạnh của quốc gia…, giúp định hình thị trường, tái cấu trúc ngành, kéo các doanh nghiệp nhỏ tham gia vào trục liên kết và mang thương hiệu Việt vươn tầm thế giới. Bất kỳ nền kinh tế nào cũng cần phải nuôi dưỡng, chăm chút để có những con “sếu đầu đàn” dẫn dắt cả “đàn sếu” bay nhanh, bay xa, bay đúng hướng.
Ba là, xây dựng và đảm bảo tính ổn định, liên tục của các Chuỗi giá trị và Chuỗi cung ứng bằng cách tập trung vào thị trường, đổi mới sáng tạo, gia tăng tỉ lệ nguồn cung nội địa và chủ động tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong bối cảnh nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, thậm chí rủi ro cao chiến tranh kinh tế tại một số nước, càng thấy rõ tầm quan trọng của việc chủ động nguồn nguyên liệu và khả năng tự cung của quốc gia. Cần rà soát, đánh giá lại công tác quy hoạch và cơ chế chính sách đặc thù cho các địa phương để tích tụ đất đai, xây dựng các vùng sản xuất nhằm chủ động nguồn nguyên liệu.
Tập trung khai thác, mở rộng thị trường trong nước quyết liệt hơn nữa, giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa hệ thống, xây dựng thương hiệu, thúc đẩy sáng tạo để thích ứng thay đổi thói quen tiêu dùng, tạo tính tự chủ, năng lực cạnh tranh cho hàng hóa Việt. Các cuộc vận động kích cầu tiêu dùng trong nước cần làm thực chất, hiệu quả, thiết thực hơn; giảm thiểu khâu phân phối trung gian; đẩy mạnh liên kết giữa các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng phối hợp tiêu thụ sản phẩm của nhau… Thị trường nội địa tiềm năng 100 triệu dân sẽ là bệ đỡ, là điểm tựa cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững.
Bốn là, điều hành linh hoạt chính sách tài khóa, tiền tệ, bám sát tình hình thực tiễn, hướng dòng vốn vào lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển. Cùng với các giải pháp giảm tác động đồng thời của chi phí đẩy như nguyên liệu đầu vào, vận tải, logistics,… sẽ giúp giảm áp lực lạm phát nguồn cung, đồng thời tăng cường các giải pháp khuyến khích, tạo niềm tin tiêu dùng và hoạt động kinh doanh đang có dấu hiệu đi xuống nhằm tạo lực kéo cho hoạt động sản xuất kinh doanh; Tích cực tháo gỡ các nút thắt để giải ngân theo kế hoạch, nếu nền kinh tế không hấp thu được nguồn lực thì sẽ lâu hồi phục.
Đánh giá toàn diện chính sách “diều hâu” thắt chặt cung tiền và nâng lãi suất như FED, ECB đang làm và chính sách “bồ câu” ưu tiên nới lỏng Trung Quốc đang hướng đến, để thận trọng trong từng quyết sách, nhằm đạt mục tiêu kép kiểm soát lạm phát và phát triển kinh tế. Nghiên cứu mở rộng đối tượng, ngành nghề hỗ trợ, tối giản, rút ngắn thủ tục, đẩy mạnh giải ngân các gói hỗ trợ trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết 43 mà hiện mới chỉ giải ngân được khoảng 20% như các gói miễn, giảm thuế, gia hạn thời gian nộp thuế tại Nghị định 31, 32, 34, 36…; gói hỗ trợ lãi suất 2% cũng mới chỉ giải ngân được chưa đến 0,1%, nhằm nâng cao khả năng thụ hưởng các chính sách hỗ trợ, tạo nguồn lực phát triển cho doanh nghiệp.
Năm là, tập trung phát triển đồng bộ cả về thể chế số, hạ tầng số nền tảng số và nhân lực số hướng tới chuyển đổi số thành công, mạnh mẽ hơn nữa. Chúng ta đã có thứ hạng tốt về công nghệ thông tin và chính sách thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp như Quyết định 749, QĐ 411… nhưng vẫn có khoảng 70% doanh nghiệp chuyển đổi số thất bại. Cần xây dựng chính sách hỗ trợ đột phá hơn về đào tạo nhân lực, tổ chức mạng lưới chuyên gia tư vấn, các chỉ dẫn giải pháp công nghệ cho các nhóm đối tượng khác nhau chia theo quy mô, giai đoạn phát triển kinh doanh và theo lĩnh vực, ngành nghề…