Đại biểu Nguyễn Như So phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế xã hội ngày 25/7/2021

12:00 | 25/07/2021

Hôm nay (25.7.2021), Quốc hội khoá XV tiếp tục chương trình làm việc ngày thứ 6, kỳ họp thứ nhất. Tại phiên thảo luận, Đại Biểu Quốc Hội Nguyễn Như So đã có những đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm đồng thời đưa ra các giải pháp tăng cường sức đề kháng của nền kinh tế; chuẩn bị đủ năng lực ứng phó khi dịch bệnh kéo dài; từ đó tăng cường tiềm lực để phục hồi kinh tế ngay khi dịch bệnh được khống chế, không để nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Dưới đây là toàn văn bài phát biểu.

Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm ghi nhận mức tăng trưởng GDP 5,64%1, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng 1,82% cùng kỳ năm ngoái. Đó là thành quả rất đáng tự hào, cho thấy Chính phủ đã có những quyết sách, chiến lược, chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo với mục tiêu kép: vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế xã hội. Tuy vậy, nền kinh tế vẫn đang gặp phải nhiều thách thức lớn chưa từng có tiền lệ, đặc biệt làn sóng dịch Covid lần thứ 4 đã xâm nhập và tác động vào các khu công nghiệp, khu chế xuất - nơi tập trung nhiều lao động, có các doanh nghiệp lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế, thu ngân sách như Bắc Ninh, Bắc Giang và hiện nay là Thành phố Hồ Chí Minh và một loạt các tỉnh phía Nam.

Trong 6 tháng đầu năm, bình quân mỗi ngày có gần 400 doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường (tổng cộng 70.209 doanh nghiệp), tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. Sức khỏe doanh nghiệp yếu đi đồng nghĩa với việc động lực cho tăng trưởng suy giảm. Vấn đề đặt ra là, làm thế nào để chiến thắng trên cả hai mặt trận Y tế và Kinh tế? Bên cạnh việc hạn chế dịch bệnh, tôi xin kiến nghị một số giải pháp nhằm: tăng cường sức đề kháng của nền kinh tế; chuẩn bị đủ năng lực ứng phó khi dịch bệnh kéo dài; từ đó tăng cường tiềm lực để phục hồi kinh tế ngay khi dịch bệnh được khống chế, không để nền kinh tế rơi vào suy thoái, cụ thể:

Một là, cần rà soát, đánh giá, nâng cao hiệu quả các gói hỗ trợ thông qua việc lựa chọn đúng trọng tâm, đúng đối tượng, phân loại ngành nghề, quy mô, có điều kiện, tiêu chí, tránh lãng phí, trục lợi chính sách hỗ trợ và rủi ro đạo đức. Thời gian qua, Chính phủ đã rất nỗ lực kích cầu kinh tế thông qua các gói hỗ trợ, nhưng kết quả còn rất khiêm tốn do các đối tượng khó đáp ứng đầy đủ các tiêu chí tiếp cận nguồn hỗ trợ và thủ tục rườm rà. Đơn cử như gói hỗ trợ tiền mặt giải ngân 37% (13.100 tỷ đồng/35.880 tỷ đồng), gói Hỗ trợ người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc giải ngân 0,26% (41,8 tỷ/ 16.000 tỷ đồng); Gói Hỗ trợ thông qua chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất giải ngân 12,1% (786 tỷ/6.500 tỷ đồng). Cần phải xác định bên cạnh hỗ trợ một phần chi phí cho các doanh nghiệp chịu tác động từ đại dịch Covid dẫn đến phá sản, ngừng hoạt động, phải tập trung hỗ trợ tạo đòn bẩy cho các doanh nghiệp đang nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp có khả năng phục hồi, có cơ hội phát triển để tạo hiệu ứng lan tỏa, tránh đứt gẫy chuỗi cung ứng.

Hai là,chú trọng phát triển khu vực tư nhân đổi mới, năng động, sángtạo; tiếp tục tháo gỡ rào cản về thể chế, chính sách tạo môi trường đầu tư và cơ hội bỏ vốn, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa,tránh lãng phí các nguồn lực của xã hội.Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt trong việc cải thiện môi trường kinh doanh thông qua Chỉ thị 20, Nghị quyết 02, 68…nhưng kết quả chưa đạt kỳ vọng. Môi trường đầu tư vẫn đứng thứ hạng thấp trong khu vực, đứng thứ 7 trong Asean. Do đó, cần nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt bỏ các chi phí, đa dạng hóa hình thức, sản phẩm cho vay, đơn giản hóa thủ tục vay; hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị,cungcấp thông tin thị trường, ngành hàng, các quy định, rào cảncủa thị trường xuất khẩu, giới thiệu khách hàng, nhà cungcấp; cần có chính sách thuế hợp lý theo hướng “nuôi dưỡng nguồn thu” đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa…  

Ba là, nâng cao năng suất lao động là yếu tố quyết định đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp. Năng suất lao động nước ta chỉ bằng 8,4% của Singapore; 23,1% của Malaysia, 41,5% của Thái Lan và tụt hậu so với Nhật Bản 60 năm, so với Malaysia 40 năm và Thái Lan 10 năm. Do vậy, cần xây dựng chiến lược tăng năng suất bài bản hơn, không chỉ thay đổi tư duy, nhận thức của từng doanh nghiệp, người dân mà còn tạo hệ sinh thái về năng suất cho doanh nghiệp; tận dụng và khai thác lợi thế của người đi sau, tăng cường sử dụng công nghệ cao thông qua qua nhập khẩu, mua bán bản quyền, thuê bao sản phẩm từ nước ngoài; tăng cường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ từ FDI; Đổi mới hệ thống giáo dục và đào tạo theohướng tăng thực hành, đào tạo nghề theo đặt hàng, xây dựng mô hình Đại học doanh nghiệp, khuyến khích, xây dựng cơ chế cho doanh nghiệp lớn và tập đoàn đa quốc gia tham gia đầu tư phát triển nguồn nhân lực quốc gia…

Bốn là, tăng cường đầu tư và có cơ chế hỗ trợ đủ mạnh cho doanh nghiệp nông nghiệp. Trải qua đại dịch, ngành nông nghiệp càng chứng tỏ tầm quan trọng của mình, đặc biệt là vấn đề an ninh lương thực, thực phẩm, làm tốt vai trò là trụ đỡ, đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Thế nhưng, nghịch lý là vốn đầu tư cho lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản lại rất thấp, chỉ chiếm khoảng 1,9% GDP và 5,8% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Do vậy, cần đẩy mạnh đầu tư và có những chính sách hỗ trợ tương xứng với tiềm năng phát triển của ngành, theo đó cần tập trung giải quyết 3 vấn đề:

Thứ nhất, làm tốt vấn đề quy hoạch ngành nông nghiệp và vùng sản xuất nguyên liệu để xây dựng cơ cấu sản phẩm hợp lý, hạ giá thành sản xuất.Cần có cơ chế giao cho địa phương quy hoạch, tích lũy riêng quỹ đất sạch quy mô lớn thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo chiến lược xây tổ để đón đại bàng, giải quyết bài toán về mặt bằng đầu tư đang thực sự khó khăn và cấp bách hiện nay.

Thứ hai, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng an toàn sinh học, chế biến sâu và gia tăng giá trị sản phẩm; hỗ trợ xây dựng thương hiệu giúp định danh cho các sản phẩm nông sản Việt, nâng cao năng lực cạnh tranh, giải quyết bài toán đầu ra.  

Thứ ba, xây dựng chính sách hỗ trợ đặc thù, đủ mạnh cho các doanh nghiệp công - nông nghiệp hoạt độngtheo hướng sản xuất hàng hóa, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản Việt, như: hỗ trợ xây dựng trục liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng; nâng mức hỗ trợ bảo hiểm giống, vật nuôi, mở rộng đối tượng bảo hiểm nông nghiệp, tăng cường các giải pháp tiếp cận nguồn vốn,… Chỉ khi tạo được những “cú hích” thì mới khuyến khích, hấp dẫn được nhiều hơn nữa doanh nghiệp tham gia sản xuất nông nghiệp.

 

Các tin khác

   
Xem tin theo
   
 
Trang chủ|
Giới thiệu|
Tuyển dụng|
Câu hỏi thường gặp
   
CÔNG TY CỔ PHẦN TẬP ĐOÀN DABACO VIỆT NAM
Địa chỉ : Số 35 - Đường Lý Thái Tổ  - Thành Phố Bắc Ninh - Tỉnh Bắc Ninh
Điện thoại : (0222) 3826077 - 3895111. Fax : (0222) 3826095 - 3825496
Email : contact@dabaco.com.vn. Website: http://www.dabaco.com.vn
@2012 Bản quyền thuộc về Dabaco.com.vn. Ghi rõ nguồn dabaco.com.vn khi phát hành lại thông tin từ Website này

Số thành viên online  56      

Số lượt truy cập  25.039.059    

Thiết kế web:FINALSTYLE