Tiêm vaccine kết hợp với chăn nuôi an toàn sinh học
Chia sẻ với chúng tôi, ông Đỗ Văn Lê cho biết, sau thời gian dài chăn nuôi gà thịt bị thua lỗ, đầu năm 2025, gia đình ông mới bắt đầu sửa sang lại chuồng trại và đầu tư vào chăn nuôi lợn thịt.
Do chăn nuôi trong bối cảnh có dịch tả lợn châu Phi, nên ngay sau khi mua 50 con lợn giống đưa vào chuồng nuôi, vợ chồng ông Lê đã tích cực phun tiêu độc khử trùng trong và ngoài trang trại kết hợp với giăng lưới chống côn trùng, chuột vào trại.
Dù được đầu tư chăn nuôi an toàn sinh học khá bài bản nhưng khi xem báo, đài thường xuyên đưa tin tình hình dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến rất phức tạp, nguy hiểm nên ông Lê đã liên hệ với đại lý kinh doanh thuốc thú y ở địa phương tìm mua vaccine để tiêm phòng cho đàn lợn.
Đàn lợn được tiêm phòng vaccine DACOVAC-ASF2 đều khỏe mạnh đến ngày xuất bán.
Tuy nhiên, do là vaccine mới và chưa có nhiều nông dân mua tiêm phòng nên vợ chồng ông Lê rất băn khăn. "Trong lúc có dịch, chỉ có vaccine kết hợp với nuôi an toàn sinh học mới bảo vệ được đàn lợn. Tuy vậy, chúng tôi cũng chỉ mua vaccine DACOVAC-ASF2 để tiêm thử nghiệm cho 25 con.
Mới lần đầu tiêm thử nghiệm nhưng chúng tôi được đại lý hỗ trợ và hướng dẫn rất tận tình. Từ khâu bảo quản, tiêm và chăm sóc vật nuôi trước, trong và sau quá trình tiêm phòng.
Sau khi tiêm phòng, chúng tôi pha bổ sung thêm điện giải, giải độc gan cho lợn uống và thấy đàn vật nuôi vẫn khỏe mạnh, ăn bình thường", ông Lê kể.
Khoảng gần 10 ngày sau tiêm, đàn lợn tại ô chuồng bên cạnh chưa được tiêm phòng có một số con bỏ ăn, một con xuất hiện nhiều vết mụn đỏ trên lưng, mông và sốt cao. 10 ngày sau, một con lợn bị chết, ông Lê lấy mẫu gửi đi xét nghiệm và nhận kết quả: Các mẫu đều dương tính với dịch tả lợn châu Phi.
"Khi biết đàn lợn bị nhiễm dịch, vợ chồng tôi đều rất lo lắng nhưng rất may, đàn lợn được tiêm phòng vaccine DACOVAC-ASF2 vẫn ăn uống, khỏe mạnh bình thường. Đến nay, 25 con lợn đều đạt khoảng trên dưới 100kg và được tuổi xuất bán dần cho các thợ mổ trong làng với giá móc khoảng 84.000 đồng/kg.
Tính ra, đàn lợn giúp gia đình có lãi khoảng 1 triệu đồng/con nên vợ chồng tôi rất phấn khởi", ông Lê khẳng định.
Ông Lê lắp cả nhiệt kế để đo độ ẩm, nhiệt độ trong chuồng nuôi lợn.
Cũng theo ông Lê, sau khi tiêm phòng thử nghiệm thành công vaccine DACOVAC-ASF2, vợ chồng ông đang có dự định sẽ tiếp tục mua thêm con giống để tăng quy mô trang trại.
"Chúng tôi đang tìm nguồn con giống chất lượng cao để mua về nuôi thêm. Khi có con giống, trại sẽ tiếp tục mua vaccine DACOVAC-ASF2 để tiêm phòng dịch tả lợn châu Phi", ông Lê nói thêm.
Tiêm có kiểm soát, đồng hành với người chăn nuôi đến cùng
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Đăng Đồng, Giám đốc Trung tâm chẩn đoán thú y (Tập đoàn Dabaco) cho biết, hiện nay Việt Nam đã cấp phép lưu hành cho 3 loại vaccine ASF, trong đó Dabaco là một trong những doanh nghiệp lần đầu tiên tham gia vào lĩnh vực sản xuất vaccine. Đây là một bước đi mới mẻ, đồng thời cũng đặt ra không ít khó khăn cho chúng tôi, cả về cơ sở vật chất và con người.
Ông Đồng cho biết thêm, trong quá trình nghiên cứu, sản xuất vaccine mới, Dabaco luôn thực hiện nghiêm ngặt các quy định của pháp luật từ quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, khảo nghiệm. Vaccine được nghiên cứu, thử nghiệm tại phòng ATSH cấp 3, rất hiện đại của tập đoàn.
Đến ngày 28/2/2025, vaccine DACOVAC-ASF2 của Dabaco đã chính thức được Cục Thú y đánh giá và cấp phép lưu hành. Phải nói rằng, trong giai đoạn đầu, chúng tôi gặp không ít khó khăn.
Tuy nhiên, nhờ sự đồng hành sát sao của các cơ quan quản lý nhà nước và sự hỗ trợ tích cực từ hệ thống trang trại của Dabaco cũng như các trang trại liên kết, chúng tôi đã triển khai thử nghiệm thành công.
"Hiện nay, ngoài việc đáp ứng nhu cầu trong nước, Dabaco cũng đang trong quá trình đàm phán với các đối tác quốc tế, trong đó có Philippines, với kỳ vọng vaccine của chúng tôi sẽ tiếp tục được mở rộng thị trường và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới", ông Đồng khẳng định.
Theo ông Đồng, hiện, số lượng tiêm vaccine ASF tại các địa phương chưa nhiều nên miễn dịch quần đàn chưa đạt yêu cầu. Thực tế, chăn nuôi nông hộ, công tác an toàn sinh học, tiêu độc, sát trùng, tiêu diệt côn trùng... chưa cao nên gây lân lan dịch bệnh nhiều và có tiêm vaccine vẫn bị thiệt hại.
Đến nay, chúng ta mới nghiên cứu và được cấp phép vaccine ASF trên lợn thịt, Dabaco cũng thế, hoàn thành trên lợn thịt và sau đó mới bước tới các bước tiếp theo cho con nái, đực, hậu bị... Nên bà con chắc sẽ còn e dè, vì thông tin về kỹ thuật, khoa học chưa được truyền thông hiệu quả.
Ông Lê rắc vôi khủ trùng chuồng nuôi lợn.
"Hiện nay vấn đề khó khăn nhất là vaccine ASF mới chỉ tiêm được cho lợn thịt, chưa tiêm được cho lợn giống. Trong khi đó, nhu cầu tiêm lợn nái, đực giống, hậu bị của bà con rất cao.
Để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần hoàn thiện toàn bộ hệ thống tiêm phòng vaccine từ con nái, con giống đến con lợn thịt là vô cùng quan trọng, nhằm tạo điều kiện bảo vệ đàn lợn, bảo hộ toàn bộ quần thể đàn trước ASF", ông Đồng khẳng định.
Hiện, Dabaco đang tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu và hoàn thiện vaccine thế hệ mới vừa bảo hộ được các biến chủng vừa tiêm phòng được cho lợn giống. Chúng tôi cam kết sẽ sớm phủ vaccine toàn đàn, mọi đối tượng để đáp ứng nhu cầu của bà con", ông Đồng nói thêm.
Cũng theo ông Đồng, để ngăn ngừa dịch tả lợn châu Phi, chúng ta phải tiêm vaccine kết hợp với chăn nuôi an toàn sinh học. Chúng tôi đã triển khai bán vaccine DACOVAC-ASF2 cho người chăn nuôi nhưng có kiểm soát. Từc là Dabaco chỉ bán vaccine cho các trại đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.
Đồng thời, Dabaco cũng sẽ đào tạo và xây dựng đội ngũ kỹ thuật chuyên nghiệp đưa về các địa phương để hướng dẫn, đồng hành cùng với người dân trong quá trình tiêm phòng vaccine mới đạt hiệu quả cao nhất. Đây chính là điểm khác biệt của Dabaco giúp người chăn nuôi an toàn trong bối cảnh có dịch tả lợn châu phi", đại diện Dabaco tiết lộ.
Khu chuồng trại nuôi lợn của ông Lê nằm cách biệt với nhà ở và áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học khá hiệu quả.
Khuyến cáo thêm với nông dân chăn nuôi trong bối cảnh có dịch tả lợn châu Phi, ông Vũ Đăng Đồng cho hay: Chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH) phải tổng thể, công tác phun tiêu độc sát trùng phải được làm triệt để, thường xuyên.
"Nên ngoài công tác tiêu độc, chúng ta phải đồng nhất nhận thức của mọi người trong gia trại, trang trại, đến thành lập vùng an toàn sinh học, vùng an toàn dịch bệnh. Nếu trong một trại, 10 người mà 9 người tuân thủ, 1 người không sẽ rất khó đảm bảo an toàn sinh học. Theo đó, chúng ta phải áp dụng và tuân thủ nghiêm ngặt giải pháp an toàn sinh học và kết hợp với tiêm phòng vaccine ASF đã được cấp phép lưu hành", ông Đồng khuyến cáo thêm.
Ngày 29/03/2025, tại tỉnh Bắc Ninh, Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam đã tổ chức Lễ khánh thành Nhà máy sản xuất vaccine DACOVET và công bố chính thức thương mại hóa vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi (ASF) - DACOVAC-ASF2. Với hơn 60.000 nái cơ bản và sản lượng hơn 1,5 triệu lợn thịt/năm, Dabaco nhận thức rõ tầm quan trọng của việc kiểm soát dịch bệnh trong ngành chăn nuôi.Từ khi ASF lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam vào năm 2019, Dabaco đã xác định rõ sứ mệnh của mình: không chỉ đương đầu với thử thách, mà phải tiên phong trong việc phát triển vaccine, bảo vệ ngành chăn nuôi, bảo vệ nền nông nghiệp quốc gia. Thông qua hợp tác với Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), Dabaco đã tiếp cận thành công công nghệ virus nhược độc ASF-G-Delta I 177L và nhanh chóng phát triển vaccine DACOVAC-ASF2, với hiệu quả bảo hộ lên đến 80-100%. Nhà máy DACOVET, được khởi công vào tháng 8/2022 với tổng đầu tư hơn 300 tỷ đồng, có công suất lên đến 200 triệu liều vaccine mỗi năm, trang bị hệ thống dây chuyền hiện đại, đồng bộ từ các quốc gia công nghiệp phát triển như Hoa Kỳ, Đức và Nhật Bản. Đây không chỉ là nhà máy sản xuất vaccine duy nhất tại Việt Nam ứng dụng công nghệ đóng gói tự động và kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt, mà còn là cơ sở tiên phong cung cấp sản phẩm vắc xin chất lượng quốc tế cho ngành chăn nuôi. Tháng 8/2024, nhà máy DACOVET được cấp chứng nhận GMP-WHO, khẳng định chất lượng và sự hiện đại của cơ sở sản xuất. Đến ngày 28/02/2025, vaccine DACOVAC-ASF2 chính thức được cấp phép lưu hành thương mại, góp phần bảo vệ an ninh lương thực quốc gia và mở ra cơ hội mới cho ngành chăn nuôi. |
Tin danviet.vn