Dây chuyền xử lý trứng tự động bằng tia cực tím tại Công ty TNHH Đầu tư phát triển chăn nuôi gia công (Công ty CP Tập đoàn DABACO Việt Nam).
Từ chăn nuôi theo quy trình VietGAHP
Theo Cục Chăn nuôi, từ nhiều năm nay, ngành nông nghiệp đã từng bước áp dụng Quy trình thực hành sản xuất tốt trong nông nghiệp (VietGap) nói chung và thực hành sản xuất tốt trong chăn nuôi (VietGAHP) nói riêng. Theo đó, người chăn nuôi phải bảo đảm được các tiêu chí theo đúng quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN và PTNT) như: không dùng chất tăng trưởng, phải ghi chép sổ sách chuồng trại, không bán vật nuôi mới được tiêm kháng sinh,… Ưu điểm của quy trình này là kịp thời phát hiện những sai sót trong quá trình chăn nuôi, truy nguyên theo sổ sách ghi chép để có biện pháp khắc phục kịp thời.
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có hơn 200 trang trại chăn nuôi áp dụng VietGAHP đã được cấp chứng nhận; trong đó, hơn 30 cơ sở nuôi lợn thịt, 40 cơ sở nuôi gà, 120 cơ sở nuôi ong mật, và một số cơ sở chăn nuôi bò sữa. Ngoài các trang trại, hiện trên địa bàn 12 tỉnh, thành phố (Cao Bằng, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Lâm Đồng, Đồng Nai, Long An và TP Hồ Chí Minh) đã áp dụng VietGAHP trong nông hộ tại 52 vùng GAHP, trong đó có 46 vùng GAHP được Ban quản lý Trung ương và Ngân hàng Thế giới chấp thuận, với tổng số hộ chăn nuôi tham gia là hơn 11 nghìn hộ. Nhờ áp dụng chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP, tỷ lệ hao hụt của đàn lợn tại các hộ nuôi đã giảm từ 13,75% xuống còn 11,80%. Nhất là trong tất cả các vùng áp dụng VietGAHP, hầu như không có dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thậm chí có vùng đã không xảy ra bất kỳ một loại dịch bệnh nào.
Đến "sạch từ trang trại tới bàn ăn"
Đi tìm mô hình tiên phong trong việc tổ chức khép kín chuỗi chăn nuôi an toàn, chúng tôi được Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Lê Bá Lịch giới thiệu về Bắc Ninh để tìm hiểu Công ty cổ phần Tập đoàn DABACO Việt Nam. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn DABACO Nguyễn Như So cho rằng: Để trở thành doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi, giống gia súc gia cầm, chăn nuôi gia công, chế biến thực phẩm… phát triển như hiện nay, DABACO đã tập trung đầu tư vào ba nhân tố chính: thứ nhất, công nghệ hiện đại kết hợp sản phẩm đạt chuẩn quốc tế; thứ hai, nguồn nhân lực chất lượng, kết hợp quản trị doanh nghiệp tiên tiến và thứ ba là khai thác lợi thế cạnh tranh của mô hình sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị khép kín. Hiện DABACO Việt Nam có sáu nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi với tổng công suất 600 nghìn tấn/năm, đủ sức cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài và mỗi năm cung cấp 38 triệu con giống gà lông mầu, cùng với hệ thống chăn nuôi gà đẻ trứng có công nghệ tự động - hiện đại cho sản lượng hơn 200 triệu quả trứng/năm. Đặc biệt, DABACO đã đầu tư hàng triệu USD xây dựng nhà máy giết mổ và dây chuyền chế biến thực phẩm với nhiều chủng loại đa dạng. Nhiều sản phẩm của DABACO đã đoạt các giải thưởng danh giá trong nước và quốc tế. Không dừng lại ở những thành quả đã đạt được, hiện Tập đoàn DABACO đang khẩn trương triển khai các dự án Khu chăn nuôi lợn giống tại các tỉnh Phú Thọ, Hà Nam, Lương Tài (Bắc Ninh) và Nhà máy thức ăn chăn nuôi Hà Nam, Trung tâm thương mại DABACO Từ Sơn, Cảng Tân Chi. Đồng thời, chuẩn bị khởi công xây dựng nhà máy ép dầu công suất 180 nghìn tấn/năm tại tỉnh Bắc Ninh… để hoàn thiện các công đoạn, quy trình chăn nuôi hiện đại từ khâu giống “ông bà, bố mẹ”, tới chăn nuôi gia công, giết mổ khép kín bảo đảm “sạch từ trang trại tới bàn ăn”.
Đích đến là người tiêu dùng
Hoạt động kết nối giữa nhà phân phối với cơ sở sản xuất theo hướng VietGAHP không chỉ đem lại lợi ích cho cả hai bên mà còn thật sự là lợi ích cho bên thứ ba - người tiêu dùng, bằng nguồn gốc thực phẩm rõ ràng, chất lượng tốt, bảo đảm an toàn thực phẩm. Để nâng cao hiệu quả liên kết chuỗi trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng, Bộ NN và PTNT đã kêu gọi các doanh nghiệp thông qua hợp tác công tư (PPP) xây dựng chuỗi liên kết khép kín giữa nhà nông với các kênh phân phối hiện đại, bảo đảm đầu ra ổn định.
Tuy nhiên, theo Cục Chăn nuôi, số trang trại và nông hộ chăn nuôi theo quy trình VietGAHP so với tổng đàn gia súc, gia cầm hiện nay còn khá khiêm tốn, chưa tới 10% tổng đàn và chủ yếu mới chỉ tập trung tại một số vùng trọng điểm. Việc sản xuất chăn nuôi theo quy trình VietGAHP hiện mới chỉ dừng lại ở mô hình trang trại và một số nông hộ, chưa áp dụng nhiều trong các khâu giết mổ, chế biến và bảo quản, tiêu thụ sản phẩm. Trong khi đó, sản phẩm VietGAHP lại chưa thật sự tạo được sự khác biệt với những sản phẩm thông thường, dẫn tới hiện tượng một số nhà phân phối sản phẩm lập lờ trong bán hàng làm cho người tiêu dùng nghi ngại, từ đó khiến cho sản phẩm VietGAHP khó cạnh tranh, thậm chí nhiều sản phẩm an toàn chỉ bán tương đương với giá của sản phẩm thông thường, cho nên không khuyến khích được các trang trại, nông hộ duy trì và phát triển mô hình VietGAHP.
Vì vậy, để mô hình VietGAHP ngày càng được nhân rộng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, trước hết Bộ NN và PTNT cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy, quy chuẩn kỹ thuật về ATTP để nhân rộng chuỗi cung ứng nông sản an toàn. Đồng thời, các sản phẩm VietGAHP cần có đầu mối tiêu thụ cụ thể và có khu bày bán riêng, có bảng biểu thông tin chính xác về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm để người tiêu dùng dễ dàng nhận biết.
Muốn vậy, cần tăng cường thiết lập kênh tiêu thụ sản phẩm VietGAHP thông qua hoạt động kết nối giữa nhà sản xuất với doanh nghiệp trong việc phân phối sản phẩm giữa các địa phương, nhất là khu vực Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, là hai nơi có sức tiêu thụ lớn.
Bài, ảnh: Quang Minh
Báo Nhân Dân