Mức giao dịch thấp nhất khu vực hiện tại là 48.000 đồng/kg, ghi nhận tại các tỉnh gồm Yên Bái, Lào Cai, Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình. Heo hơi tại các tỉnh, thành còn lại vẫn được thu mua ổn định với giá 50.000 đồng/kg.
Đây tín hiệu phục hồi là rất đáng mừng cho người chăn nuôi ở thời điểm này. Nhiều thương lái cũng đang tìm kiếm, tiêu thụ với số lượng nhiều hơn trước.
Tại miền Trung và miền Nam chưa có tín hiệu tăng giá, nhưng người chăn nuôi heo đang hy vọng tín hiệu lạc quan ở miền Bắc sẽ tạo động lực kéo giá heo hồi phục.
Giá heo hơi ở khu vực miền Trung, Tây nguyên trong khoảng 47.000 – 50.000 đồng/kg. Cụ thể, thương lái tại tỉnh Hà Tĩnh đang thu mua heo hơi với thấp nhất khu vực với 47.000 đồng/kg. Tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Quảng Ngãi 48.000 đồng/kg.
Ở khu vực phía Nam, giá heo hơi hôm nay cũng không ghi nhận thay đổi mới so với cuối tuần trước. Bà Rịa-Vũng Tàu đang giao dịch heo hơi tại mức 48.000 đồng/kg, thấp nhất khu vực.
Giá heo hơi ở các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh và Trà Vinh đang neo ở mức 49.000 đồng/kg. Các tỉnh thành còn lại duy trì thu mua ổn định trong khoảng 50.000 – 51.000 đồng/kg.
Giá heo của Công ty Chăn nuôi C.P Việt Nam giữ mức 54.500 đồng/kg. Giá heo Trung Quốc tăng nhẹ về mức 51.000 đồng/kg.
Nguy cơ khủng hoảng thiếu, giá tăng đột biến
Trước việc giá heo hơi xuống thấp, người nông dân không mặn mà tái đàn, các chuyên gia cảnh báo nguy cơ khủng hoảng thiếu và giá heo hơi sẽ tăng đột biết từ khoảng tháng 8 đến hết năm 2023 là điều rất dễ xảy ra.
Chuyên gia Ngô Trí Long cho biết, vì thua lỗ kéo dài dẫn đến cụt vốn, người chăn nuôi sẽ không tái đàn. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ khủng hoảng thiếu heo hơi trong thời gian từ tháng 8 đến cuối năm, kéo theo giá heo hơi tăng đột biến là điều khó tránh khỏi. Do vậy các cơ quan chức năng như ngành Nông nghiệp, ngành Công Thương và chính quyền địa phương cần sớm có giải pháp tháo gỡ.
Để ổn định thị trường, ông Long cho rằng, các cơ quan chức năng cần có giải pháp để kích cầu tiêu dùng, giảm bớt khó khăn cho người chăn nuôi như giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu đầu vào thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ cho vay vốn tín dụng để người chăn nuôi tái đàn.
Về phía người chăn nuôi cần phải đầu tư trang trại quy mô lớn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả, hạn chế dịch bệnh, đồng thời kết nối các chuỗi chăn nuôi từ trang trại đến bàn ăn.
Đồng tình quan điểm này, chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương khẳng định với VTC News, không có người dân, doanh nghiệp nào biết sản xuất thua lỗ kéo dài mà vẫn làm. Do vậy, việc người chăn nuôi sẽ không tái đàn hoặc hạn chế tái đàn là điều tất yếu.
“Nếu người chăn nuôi không tái đàn thì trong vài tháng tới, nguồn cung thịt heo trong nước chắc chắn sẽ giảm, nguy cơ dẫn đến khủng hoảng thiếu thịt heo là điều rất dễ xảy ra. Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến giá heo hơi có nguy cơ sẽ tăng đột biến. Khi đó thì chúng ta chỉ còn cách nhập khẩu thịt heo từ Trung Quốc hoặc thịt heo đông lạnh từ Nga hoặc Ấn Độ và sẽ phục thuộc hoàn toàn vào những thị trường này”, ông Doanh cảnh báo.