Thời đó, nghề nuôi lợn rừng mới thâm nhập vào Việt Nam. Vì vậy, khi viết sách, chúng tôi chưa có được kinh nghiệm của nhiều người. Tuy nhiên, sách cũng kịp phục vụ cho những người lần đầu đi vào nuôi lợn rừng. Sách đã được tái bản nhiều lần.
Nhưng khi phong trào nuôi lợn rừng rộ lên, có rất nhiều mô hình khiến ta ngạc nhiên. Tôi vào Quảng Bình và tới thăm trang trại Hưng Biển của ông Trần Vĩnh Dũng. Ông làm đủ thứ việc: Đào ao để nuôi tôm trên cát; nuôi đà điểu; nuôi nhông cát và nuôi cả lợn rừng nữa.
Đàn lợn rừng của ông lúc nhiều cũng lên tới cả nghìn con. Nhưng chúng không bao giờ được nhìn thấy rừng mà suốt đời chỉ được thấy... toàn cát. Nó đẻ ra trên cát, lớn lên trên cát và vĩnh biệt cuộc đời cũng... trên cát!
Chúng ta biết, suốt dọc miền Trung, từ Thanh Hóa, Nghệ An tới tận Ninh Thuận, Bình Thuận có vô vàn những vùng cát mênh mông, hoang hóa. Nhiều nơi đang sa mạc hóa dần dần. Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay, chúng ta phải cải tạo và tận dụng những vùng đất đó. Trang trại của anh Dũng đã làm được việc này.
Khu nuôi lợn rừng của ông cũng được chia ra làm nhiều trại. Mỗi trại chừng 5.000-6.000m2. Xung quanh trại được xây tường. Trong mỗi trại ta thấy có một vài bể nước xây nổi. Chúng chỉ sâu độ 30-40cm. Họ bơm nước vào, lũ lợn thích trèo vào để tắm táp.
Sau đó, chúng lao ra và đua nhau chạy như sóc quanh khu nuôi. Cát nóng như rang nhưng với chúng chả ảnh hưởng gì. Ông chủ cũng xây cho lũ lợn một chỗ để làm chuồng. Nó chỉ là chỗ có mái che.
Có lẽ tới tối chúng mới vào. Còn ban ngày, lợn thích chạy nhảy và nô đùa cùng nhau. Nền cát khô nóng giúp chúng tránh xa được nhiều loại bệnh tật...
Lợn được ăn rau, bèo và cám bã như những nơi khác. Nhưng do chạy nhảy suốt ngày nên thịt của chúng rất nạc và chắc. Khách hàng rất ưa lũ lợn nuôi trên cát của ông...
Xin bà con ở những vùng cát nóng hãy làm theo như Hưng Biển.
Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng phụ trách Email: 1001cachlaman@gmail.com
Báo Dân Việt