Riêng với con vịt, có những giống cổ truyền nhưng hiệu quả của nó vẫn vượt trội nên bà con ta vẫn giữ, vẫn phát triển việc nuôi chúng.
Ở vịt, có 3 nhóm phân theo yêu cầu sử dụng là: Vịt lấy thịt, vịt lấy trứng và vịt kiêm dụng (vừa lấy thịt, vừa lấy trứng). Đối với các giống vịt lấy trứng, trước đây ta có phổ biến giống Khaky campbell. Bọn này bắt đầu đẻ lúc 150 ngày tuổi. Mỗi năm 1 con có thể đẻ được 260-300 trứng.
Chúng tôi đã đưa chúng lên Sơn La cho bà con người Mông ở Tà-Hộc. Chúng thích ứng rất nhanh và đẻ rất đều. Gần đây, Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên giới thiệu giống vịt chuyên trứng của Trung Quốc là vịt Triết Giang.
Vịt Triết Giang có tỷ lệ nuôi sống cao. Tỷ lệ hao hụt rất thấp. Bọn này có cơ thể gọn, nhỏ, tới lúc đẻ, con mái khoảng 1.080g và con trống khoảng 1140g. Như vậy, chúng chỉ hơn 1kg. Chúng có tuổi đẻ sớm, nuôi 16-17 tuần đã đẻ. Nó là giống vịt đẻ sớm nhất. Mỗi năm, 1 mái đẻ được 267-258 quả. Hiện nay, giống này đã được nuôi phổ biến trong cả nước.
Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên còn cho ra con TC. Đây là con lai giữa vịt cỏ và vịt Triết Giang. Chúng có màu lông đồng nhất, màu cánh sẻ nhạt hơn vịt cỏ nhưng đậm hơn vịt Triết Giang. Tỷ lệ nuôi sống ở vịt TC cao. Tới 17-18 tuần nuôi thì chúng bắt đầu đẻ. Chúng là giống đẻ tốt: 280-290 quả/mái/năm.
Người ta có thể nuôi vịt Triết Giang hay vịt TC theo các phương thức chăn nuôi vịt - ngan an toàn sinh học như: Nuôi nhốt hoàn toàn trong chuồng; nuôi nhốt trong chuồng nhưng có sân chơi hoặc nuôi nhốt trong chuồng nhưng có vườn cây hoặc có ao cá kề bên. Cũng có thể tiến hành nuôi chúng kết hợp với trồng lúa hoặc nuôi chạy đồng. Nuôi ở nhiều quy mô.
Nuôi thủy cầm là một ngành nuôi quan trọng của nước ta. Mỗi năm, chúng ta nuôi ngót nghét 100 triệu con và cung cấp hàng trăm ngàn tấn thịt và khoảng 2 tỷ quả trứng. Vì vậy, đừng coi thường việc nuôi vịt, đặc biệt là vịt chuyên trứng.
Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng phụ trách Email: 1001cachlaman@gmail.com
Dân Việt