Trẻ con ở nhà quê rất thích xôi gấc. Chúng chỉ chờ bố mẹ đưa mâm cỗ cúng xuống là rối rít chắp tay xin ông bà và... véo lấy một nắm!...
Gấc chả xa lạ gì với chúng ta. Nó là cây dây leo có tua cuốn. Cứ chỗ nào có điểm bám là gác leo lên ngay. Người ta có thể làm giàn như giàn mướp để cho gấc leo lên. Cũng có nơi, bà con cho nó leo theo hàng rào hoặc leo lên những cây lớn. Có cây còn bò cả lên mái nhà. Ở thành phố, có người còn đưa đất lên gác thượng, đổ vào một góc mà cũng trồng được gấc. Gấc dễ trồng, dễ sống.
Nó là loại cây lưu niên. Vào mùa đông, cây lụi đi, lá rụng hết. Nhưng tới khi ấm lên, nó lại đâm chồi, ra lá và lại leo lên mọi vật mà nó có thể vươn tới và bám tua vào được. Thường thì tới mùa đông, bà con chặt sát gốc và dọn giàn cho sạch sẽ. Năm sau, chồi mới sẽ mọc lên và lại leo lên giàn. Lá gấc xanh đậm và mọc rất dày. Vì vậy, giàn gấc thường được dựng trước hiên nhà để cho mát cho cả mùa hè. Trên một cây gấc có cả hoa đực và hoa cái. Cũng có cây chỉ cho ra toàn hoa đực nhưng trường hợp này ít xảy ra.
Hiện nay, Công ty Vinagac đã khuyến cáo và hỗ trợ cho nhiều địa phương phát triển việc trồng gấc. Họ thu mua toàn bộ quả để chế biến làm thuốc. Nhiều vùng ở trung du và miền núi đã đưa gấc vào canh tác. Ngay cả ở đồng bằng (như Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình...) cũng có nhiều xã hợp tác với công ty để trồng gấc.
Gấc có thể trồng bằng hạt hoặc bằng hom. Ta có thể giao hạt trực tiếp vào hố trồng hoặc gieo vào bầu cho tới khi cây cao độ 20-25cm thì đem đi trồng. Lưu ý, chọn quả gấc to, chín đỏ để lấy hạt làm giống. Ta bóc hết vỏ đen bên ngoài và dùng nhân trắng bên trong để trồng. Mỗi hố gieo 2-4 hạt. Khi cây mọc, ta tỉa bớt, chỉ để loại 1-2 cây khỏe cho chúng mọc lên.
Nếu trồng bằng hom thì ta chọn những đoạn dây bánh tẻ ở những cây gấc tốt và cắt thành từng đoạn dài 35-40cm. Ta có thể khoanh tròn rồi ủ xuống hố có sẵn phân hoai mục và rơm rạ. Cũng có thể chỉ 2/3 đoạn thân đó xuống đất nhưng phần bên trên cũng được phủ rơm rạ. Ta tưới ẩm cho cây nảy mầm.
Việc giữ ẩm thường xuyên là rất quan trọng vì nếu để khô, cây không mọc được hoặc mầm lên bị chết khô. Quây cót để che chắn cho gà không ăn mất ngọn. Ta cho cây leo lên giàn. Lúc này phải bón thúc và tưới thêm nước tiểu pha loãng hoặc tưới phân lợn cho cây mọc nhanh. Cây càng vươn rộng thì càng nhiều quả.
Gấc có thể cho quả suốt từ tháng 6 cho tới tận tháng 12. Ta có thụ phấn bổ sung để tăng lượng quả đậu. Ta thu quả khi nó đã chín đỏ.
Phần quan trọng nhất mà người ta cần mua là màng vỏ hạt. Ngoài ra, hạt gấc sau khi đã lấy màng có thể sấy khô, nướng chín và giã thành bột mịn để đắp lên mụn nhọt. Rễ gấc cũng có thể dùng làm thuốc.
Bà con có thể liên hệ với bác sĩ Nguyễn Công Suất - Giám đốc Công ty Vinagac để hợp tác trồng gấc.
Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng phụ trách Email: 1001cachlaman@gmail.com
Dân Việt