Gỗ cứng nhưng dễ gia công chế biến. Nó ít co dãn và không bị mối mọt tấn công. Lát hoa chủ yếu có ở các vùng núi đá từ Hà Tĩnh đổ ra. Nó thường mọc hỗ giao với các loài như trai, nghiến, bứa, gội... Nó phân bố từ độ cao 800m trở xuống.
Ngày xưa, lát hoa mọc kín rừng. Nhưng do giá trị của nó và sự chặt phá dữ dội mà không được quản lý nên nó càng ngày càng hiếm. Những cây lát có đường kính tới tận 1m hầu như không còn nữa. Đã có thời, nhà nào có được một cái tủ đóng bằng gỗ lát hoa đều rất tự hào. Nếu đóng thêm được cái giường và bộ bàn ghế nữa thì coi như... nhất làng! Người ta đổ xô đi tìm lát hoa. Cả những cây mọc trên sườn đá cheo leo cũng bị chặt hạ. Gỗ lát hoa đắt như tôm tươi...
Thực ra, trồng lát hoa không khó. Trong tự nhiên, nó phân bố suốt từ vùng Bắc Trung Bộ trở ra. Ngành lâm nghiệp đã chỉ đạo trồng lát hoa ở khắp nơi. Nó là cây ưa sáng nhưng khi nhỏ có thể chịu bóng một phần. Điều quan trọng là nó không chịu được nơi ứ nước. Nó thích vùng đất đá vôi và những nơi có tầng canh tác dày, giàu mùn, đủ ẩm, ít chua và thoát nước tốt. Ở đồng bằng, lát hoa là loại cây lâm nghiệp phân tán được ưa chuộng. Càng ngày người ta càng trồng nhiều lát hoa quanh các công sở, trường học, bệnh viện và dọc các lối đi.
Chúng tôi cũng đã từng phối hợp với bà con ở Cao Bằng trồng cây mắc rặc vào các kẽ núi đá. Mắc rặc mọc rất khỏe ngay trên các triền đá vôi. Lá của nó rụng xuống sẽ tạo ra các lớp mùn trong các hốc đá. Lúc đó ta đưa lát vào trồng. Cây lát sẽ sớm đâm sâu rễ vào các vách đá để tự vươn lên. Nên trồng lát hoa vào đầu mùa mưa hoặc vào lúc mưa xuân. Nếu trồng thuần thì với mật độ 1.000 - 1.100 cây/ha (cự ly 5x2m hoặc 3x3m). Nếu trồng hỗn loài thì nên với mật độ 400 - 500 cây/ha (cự ly 5x5m hoặc 4x5m).
Lát hoa dễ trồng, dễ sống và là “của để dành” cho từng gia đình. Mỗi nhà cố gắng trồng lấy 5-10 cây lát hoa...
Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng phụ trách Email: 1001cachlaman@gmail.com
Dân Việt