Tại Việt Nam, phương pháp thủy canh cũng đã được thử nghiệm từ những năm 60 của thế kỷ trước do các nhà khoa học đưa về từ Nga. Gần đây, việc áp dụng phương pháp thủy canh đã được nhiều công ty lớn ở Việt Nam thực hiện. Nó càng trở lên thông dụng khi hiệu quả của nó được đánh giá cao.
Chúng ta biết rằng, cây thường có 3 bộ phận chính là: Thân, rễ và lá. Thân sẽ giúp cho cây vươn lên, tạo ra cành mới và lá mới. Nó là bộ đỡ để cành và lá phát triển.
Lá làm nhiệm vụ quang hợp. Thế còn rễ làm nhiệm vụ hút nước và các chất khoáng lên để lá tổng hợp thành chất hữu cơ cho cây. Nó còn có nhiệm vụ bám chặt vào đất để giữ cho cây không bị ngã, đổ.
Trồng dâu tây bằng phương pháp thủy canh
Trong canh tác thủy canh, người ta quan tâm đầu tiên tới các chất dinh dưỡng và sự hấp thụ của rễ. Theo phương pháp này, người ta thường trồng cây trên các giá thể như: Cát, sỏi, đá dăm, xỉ và một số vật liệu nhẹ, xốp, giữ nước tốt.
Chúng không có nhiệm vụ cung cấp chất dinh dưỡng mà chỉ để cho rễ bám vào và giữ cho cây vươn lên cao mà không bị đổ. Thế còn toàn bộ chất dinh dưỡng sẽ được hòa thành chất dung dịch để tưới vào cây hoặc nằm dưới lớp cát, sỏi mà rễ có thể hút lên được.
Cây cần chất gì, ta cung cấp chất ấy. Lúc nào thiếu, ta lại bổ sung. Người ta đã nghiên cứu và đưa ra các công thức để pha chế các loại dung dịch dinh dưỡng cho từng loại cây.
Ngoài ra, ta còn cần cung cấp thêm ôxy cho cây bằng cách bơm khí hoặc tạo độ tơi xốp để các rễ ở bên trên dễ dàng tiếp xúc với không khí. Trong quá trình nuôi dưỡng cây, ta còn phải thường xuyên điều chỉnh pH cho dung dịch để phù hợp.
Trồng cây bằng phương pháp thủy canh thường được đặt trong các thùng, các chậu, các hệ thống bể hoặc các đường ống... Khi cây vươn lên, ta làm giàn hoặc mắc hệ thống dây để đỡ cho cây. Toàn bộ khu trồng thủy canh này ta có thể đặt trong nhà lưới, nhà kính hoặc trong các nhà xây. Tuy nhiên, phải đảm bảo đủ ánh sáng cho cây.
Những nơi thiếu ánh sáng, ta phải thắp đèn. Vừa qua, Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã phối hợp với các nhà khoa học ở Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội (mà nay gọi là Học viện Nông nghiệp Việt Nam), ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam để tạo ra những loại bóng đèn thích hợp nhất phục vụ cho trồng cây bằng phương pháp thủy canh.
Rất nhiều cơ sở đã áp dụng phương pháp này để ươm cây, trồng hoa, trồng rau, trồng một số loại cây ăn quả (như dưa leo, dâu tây...) đạt hiệu quả mỹ mãn.
Bà con muốn hiểu thêm về phương pháp này xin liên hệ trực tiếp với GS-TS Nguyễn Quang Thạch (đt: 0913.560.164).
Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng phụ trách
Email: 1001cachlaman@gmail.com