+ Chọn đất, chọn cây: Mỗi loại cây rau màu đều ưa những chân đất khác nhau. Có cây ưa đất thịt giàu sét, cây lại ưa đất pha cát, đất giàu mùn...Vì vậy, trước khi trồng cần xem xét, đánh giá thành phần đất mỗi ruộng để bố trí cây trồng thích hợp sao cho “đất nào cây đấy”.
Ngoài ra, đa số các cây rau ăn lá đều cần đất giàu mùn, đất có thành phần cơ giới nhẹ nên hầu hết các vùng đất chuyên canh rau màu của Hải Dương đều được nông dân chú trọng bổ sung nguồn phân chuồng (phân gà), trấu mục hoặc phân hữu cơ vi sinh hay đổ thêm đất phù sa cho ruộng thêm màu mỡ.
Sau mỗi vụ thu hoạch họ không quên để lại thân lá cây trồng, chất thành đống và ủ thành phân bón trả lại ruộng nguồn chất hữu cơ.
+ Luân canh rau màu: Từ những năm trước đây, nông dân vùng chuyên canh rau Hải Dương chủ yếu là phát triển độc canh một loại cây trồng nhất định để thuận tiện bán hàng lại dễ bề chăm bón. Song hầu hết đều gặp thất bại ở những vụ rau liên tiếp sau này.
Vì vậy, giờ đây qua cán bộ khuyến nông tư vấn, phân tích, qua sách, báo, đài họ đã biết cách luân canh 4 vụ rau màu/năm đạt hiệu quả. Công thức luân canh 4 vụ/năm cũng đã được nhiều trạm khuyến nông trong tỉnh lựa chọn để làm mô hình trình diễn cho nông dân. Ví dụ như các công thức luân canh:
- Dưa chuột xuân- hành mủa ăn lá- su hào vụ sớm- cà chua đông.
- Cà chua xuân hè- dưa hấu hè thu- rau cải dưa- khoai tây đông.
- Dưa lê thơm vụ xuân- đậu đũa- ớt chỉ thiên- rau đông ngắn ngày.
Thậm chí còn có nhiều hộ bố trí gieo trồng đều là các cây rau ăn lá ngắn ngày. Họ thâm canh, xen canh quay vòng đất được 7-8 vụ/năm đạt hiệu quả 120-130 triệu đồng/ha/năm.
+ Bón phân cân đối: Ngoài nguồn phân chuồng hoặc phân hữu cơ vi sinh dùng để bón lót cho rau, nông dân chuyên canh rau Hải Dương cũng rất sành sỏi về cách lựa chọn phân bón hóa học và bón lót, thúc phân cho rau. Để tránh thất thoát phân hóa học và đỡ tốn công đi bón, họ đều bón lót phân hóa học với lượng rất lớn 40-70%.
Họ đúc rút được là càng trồng những cây rau ngắn ngày cho thu hoạch 1 lần thì càng phải quan tâm và bón lót nhiều phân. Các cây rau ăn lá thì cần nhiều phân đạm hơn nhưng vẫn phải có kali đi kèm ở mỗi lần bón để cây rau ít bị sâu bệnh, chất lượng cao hơn...
Các cây trồng ăn quả, củ thì thời kỳ quả chín, củ to phải thúc kali định kỳ cho mẫu mã quả đẹp, độ ngọt cao hơn, củ quả to hơn...
+ Phòng trừ sâu bệnh theo nguyên tắc 4 đúng: Từ các lớp tập huấn VietGAP do Dự án Q-SEAP triển khai để hỗ trợ địa phương, hầu hết nông dân các vùng chuyên canh rau màu trên địa bàn toàn tỉnh đều được trang bị những kiến thức về quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Vì vậy, họ đã biết cách giảm thiểu các mối nguy hại từ các khâu sản xuất, nhất là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và bón urê.