Về công tác tuyên truyền, địa phương nên thông tin đại chúng để người dân hiểu được tính chất nguy hiểm của bệnh. Tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân nuôi, bán buôn, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh chó, mèo trong từng thôn xóm, xã, phường ký cam kết thực hiện “5 không” đó là: Không nuôi chó, mèo khi chưa khai báo với địa phương; Không nuôi chó, mèo không tiêm phòng bệnh dại; Không nuôi chó thả rông; Không để chó cắn người; Không nuôi chó, mèo gây ô nhiễm môi trường. Khâu quản lý chó nuôi tại các điểm xã, phường phải có sổ ghi chép số lượng chó nuôi, loài giống. Hàng năm, vào tháng 1 cán bộ thú y phải thống kê số lượng vật nuôi nêu trên để báo cáo. Kiểm soát chặt chẽ số lượng chó, mèo đưa vào địa phương.
Khi phát hiện chó, mèo, động vật mẫn cảm khác có biểu hiện khác thường nghi mắc bệnh dại phải báo ngay cho trạm thú y huyện, quận xuống xác minh và báo cáo với chi cục thú y xem xét lấy mẫu xét nghiệm, đồng thời hướng dẫn địa phương tiêu hủy chó, mèo mắc bệnh.
Tổ chức, cá nhân nuôi vật nuôi kể trên chỉ được nuôi thả trong khuôn viên của đơn vị mình; chuồng nuôi phải được che chắn, cách ly, nền chuồng cao ráo và đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y. Con giống đưa về nuôi phải khỏe mạnh, có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y có thẩm quyền cấp; nuôi cách ly và theo dõi ít nhất 21 ngày. Người nuôi chó, mèo nên tiêm phòng định kỳ cho vật nuôi 1 lần/năm theo hướng dẫn của cán bộ thú y cơ sở. Bên cạnh đó, khâu kiểm dịch và kiểm soát vận chuyển tại các trạm, chốt kiểm dịch phải thật chặt chẽ. Đối với chó, mèo có giấy chứng nhận kiểm dịch nới xuất phát nhưng không hợp lệ thì tạm giữ để chủ hàng bổ sung hồ sơ. Xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật.