Đào hố trồng với kích thước 60 x 60 x 60cm. Ở chỗ cao cần đào hố sâu, rộng hơn: 70 x 70 x 70cm. Lớp đất đào lên được trộn đều với 30kg phân chuồng hoai mục loại tốt; 0,2 - 0,5kg phân lân và 0,1 - 0,2kg sunfat kali. Lấp hố trước khi trồng 10 - 15 ngày.
Quýt hồng cần được bón phân đầy đủ và cân đối các nguyên tố vi lượng để cây sinh trưởng khỏe, chống chịu tốt với sâu và bệnh hại, bền cây và cho năng suất cao, trái có chất lượng thơm ngon đúng hương vị đặc trưng của quýt.
Khi cây từ 1 - 3 tuổi bón: Phân chuồng 25 - 30kg/cây; phân lân nung chảy hoặc photphat nghiền 200 - 500g/cây; phân urê 150 - 200g/cây.
Khi cây được 4 - 5 tuổi bón phân chuồng 30kg; đạm urê 300g; lân nung chảy 500g; sunfat kali 300g; vôi bột 500 - 600g/cây. Phân lân và phân chuồng bón 1 lần vào cuối mùa sinh trưởng cùng với vôi bột. Phân đạm và kali chia làm 3 lần bón vào các tháng 1 - 2 (30% phân đạm), tháng 4 - 5 (40% đạm + phân kali) và tháng 8 - 9 (30% đạm còn lại).
Khi cây từ 6 - 8 tuổi trở lên có thể căn cứ vào sản lượng thu hoạch hàng năm để định lượng phân bón. Nếu thu hoạch 15 tấn quả/ha, mật độ trồng 600 cây/ha, lượng phân bón cho 1 cây là: 30kg phân chuồng, 400g đạm urê, 1kg phân lân nung chảy, 1kg vôi bột và 500g sunfat kali. Nếu năng suất tăng gấp đôi thì lượng phân bón cho 1 cây cũng được tăng lên tương ứng.
Vệ sinh vườn sạch sẽ, cắt tỉa các cành dư thừa cho vườn thông thoáng để giúp cây quang hợp tốt hơn, tích lũy được nhiều chất hữu cơ cho trái. Trái nhận được nhiều ánh sáng sẽ tạo ra màu sắc đẹp, da bóng hơn đồng thời hạn chế được các loại sâu bệnh phát sinh, phát triển và gây hại.
Để quýt hồng cho trái chín đúng vào dịp Tết Nguyên đán, trước khi tết khoảng 1 – 2 tháng tăng cường bón thêm phân kali, giảm phân đạm vì đạm giúp trái kéo dài thời gian sinh trưởng, lâu chuyển hóa chất lượng bên trong trái nên chín chậm. Có thể phun thêm phân bón lá có hàm lượng kali cao trên tán lá vì trong thành phần có tới 50% là K2O, 18% lưu huỳnh sẽ thúc cho trái chín nhanh.
ThS Khánh Thị Bích Thủy
Dân Việt