Vụ dưa nghịch còn có tác dụng cắt nguồn sâu bệnh cho lúa, được nông dân các tỉnh An Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long… và cả Cà Mau trồng hàng ngàn ha, năng suất đạt bình quân từ 2 - 4 tấn/1.000m2. Tuy nhiên, vì là vụ nghịch nên sâu bệnh nhiều, bà con cần lưu ý cách bón phân để đạt năng suất và chất lượng trái. Riêng trồng trên bờ bao ruộng lúa do chân đất cao nên chú ý tưới nước nhiều lần và khi bón phân cần lấp đất sâu để hạn chế phân bị rửa trôi.
Cần lưu ý cách bón phân và phòng ngừa sâu bệnh trong vụ dưa nghịch. Thu Hiền
|
Sau thu hoạch lúa đông xuân, bà con có thể tận dụng nền rơm, rạ để ủ trồng dưa hấu. Lượng phân bón căn cứ vào đất tốt hay xấu và tình trạng cây trồng. Chú ý bón nhiều phân hữu cơ hoai mục và vôi để cung cấp canxi và diệt một số mầm bệnh trong đất. Lượng phân bón cho 1 công (1.000m2) gồm khoảng 200 - 500kg phân hữu cơ + 100kg vôi bột + 25kg urê + 30kg DAP + 20kg kali. Nếu bón phân hỗn hợp NPK (16-16-8) thì liều lượng tương ứng là 100 - 150kg.
Ngoài lượng phân hóa học và hữu cơ trên có thể bón thêm phân tôm, cá hay phân dơi sẽ làm tăng phẩm chất trái.
Bón lót toàn bộ phân hữu cơ, vôi và khoảng 1/5 tổng lượng phân còn lại. Có thể bón đều trên mặt liếp hoặc bón theo hàng, theo hốc trước khi bằm đất lần cuối. Sau khi đặt bầu 3 - 4 ngày (sau gieo hạt 5 - 7 ngày) dùng urê pha loãng (0,2 - 0,3%) tưới gần gốc 2 ngày/lần vào buổi chiều. Bón thúc lần 1 sau trồng khoảng 12 - 15 ngày khi dưa bắt đầu bò với 1/5 lượng phân bằng cách rạch rãnh cách gốc 30cm hướng dưa bò rồi lấp đất lại. Bón thúc lần 2 khi dưa bắt đầu ra hoa (sau gieo hạt 20 - 22 ngày), rạch rãnh cách gốc 30 - 40cm và bón 1/5 tổng lượng phân rồi lấp đất.
Bón thúc nuôi trái khi tỉa định trái xong (40 - 45 ngày sau gieo, khi trái to bằng trái chanh), với 2/5 lượng phân còn lại, chia ra làm 2 - 3 lần bón, cách nhau 2 - 3 ngày.
TS Nguyễn Công Thành
Dân Việt