Theo báo cáo nhanh về CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HNX: DBC) vừa được Bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán Sài Gòn (HOSE: SSI) công bố, từ quý II, thị trường thịt lợn đã có những chuyển biến khi giá heo hơi hồi phục về mức kỷ lục 50.000 đồng/kg, tác động tích cực lên hoạt động của doanh nghiệp.
Sau cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 2 năm, các trang trại quy mô nhỏ đã phải giảm đàn heo nái và các trang trại thương mại phải thu hẹp lượng tồn kho vì giá giảm mạnh. Điều này dẫn đến sự suy giảm đáng kể nguồn cung, khiến giá heo trên thị trường tăng cao. Theo một lãnh đạo của Dabaco, cùng với phân khúc sản xuất thức ăn với biên lợi nhuận gộp ổn định 19-20%, các công ty con cốt lõi còn lại (sản xuất giống và chăn nuôi) đều chuyển từ lỗ sang có lãi, nhờ giá lợn hồi phục.
Ảnh minh họa: VnExpress/Vũ Minh Quân
Kết thúc quý II, Dabaco ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.630 tỷ đồng, tăng 52% và lợi nhuận ròng đạt 87 tỷ đồng, không còn lỗ như cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp ở mức 15,7%. Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần báo 2.991 tỷ đồng, tăng 17,3% và lãi ròng 93 tỷ đồng, tương đương 32% và 37% kế hoạch năm.
Theo SSI Research, Dabaco hiện có 3 mảng kinh doanh cốt lõi, với doanh thu chính là: sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi (44%), chăn nuôi và chế biến thực phẩm (25%), sản xuất giống chất lượng cao - lợn và gia cầm (11%), mảng bất động sản, khách sạn, bao bì, xăng dầu, thương mại và dịch vụ (20%).
Với mảng thức ăn chăn nuôi, trong nửa đầu năm, doanh thu đạt 1.380 tỷ đồng, giảm 11%, do sản lượng sản xuất giảm 12% trong khi giá bán bình quân tăng 1,5% so với cùng kỳ. Nguyên liệu thô thức ăn chăn nuôi chiếm 90% giá vốn hàng bán của Dabaco chủ yếu được nhập khẩu. Giá vốn hàng bán tăng khoảng 11% so với cùng kỳ năm trước, do giá nhập khẩu của ngô và đậu tương tăng. Theo đó, tỷ suất lợi nhuận gộp của mảng thức ăn chăn nuôi giảm từ 20% xuống 18,5%.
Doanh thu chế biến thực phẩm và chăn nuôi đạt 790 tỷ đồng, tăng 83%. Kinh doanh lợn là động lực chính cho hoạt động chăn nuôi, chiếm 75% tổng doanh thu chăn nuôi. Sản lượng thịt lợn đạt 15.700 tấn trong 6 tháng, tăng 25% và giá bán trung bình cải thiện 45% lên 36.200 đồng/kg trong quý I và 42.300 đồng/kg trong quý II nhờ sự phục hồi nhu cầu thịt lợn. Tỷ suất lợi nhuận gộp của chăn nuôi và chế biến thực phẩm đã tăng từ -33% trong nửa đầu 2017 lên 4,3% trong nửa đầu năm 2018.
Ở mảng giống vật nuôi, doanh thu 6 tháng đạt 339 tỷ đồng, tăng 64%, trong đó giống lợn, đậu phụng và gà chiếm lần lượt 16%, 51% và 33% tổng doanh thu giống. Sản lượng tiêu thụ và giá bán bình quân tăng 7,2% và 51% nhờ sự tăng giá của thị trường thịt lợn.
Giá vốn của các giống liên quan tăng 33% so với cùng kỳ do giá giống đầu vào và chi phí thuốc thú y tăng cao để ngăn chặn sự bùng nổ của dịch bệnh. Do đó, tỷ suất lợi nhuận gộp của các giống được cải thiện từ 5,6% 14,6%. Trong năm 2016, giống vật nuôi từng là mảng có tỷ suất lợi nhuận gộp cao nhất, khoảng 25%.
Nhờ biên lãi gộp cải thiện, biên lợi nhuận ròng cũng tăng lên 3,1% dù doanh thu tài chính giảm 76% và chi phí tài chính tăng 35%.