Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể là cơ hội cho ngành chăn nuôi heo Việt Nam

12:00 | 28/08/2018

Việc Trung Quốc áp thuế cao với thịt heo nhập khẩu từ Mỹ, trong bối cảnh đàn lợn nuôi trong nước đã và đang được tái cơ cấu, có thể là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này.

  Cuộc đàm phán thương mại giữa quan chức Mỹ và Trung Quốc vừa kết thúc trong thất bại, sau khi hai bên tiếp tục áp đặt mức thuế mới 25% lên số hàng hóa trị giá 16 tỷ USD.

   Trong khi Washington tiếp tục áp thuế lên hàng hóa nhằm buộc Bắc Kinh phải thay đổi chính sách đối với quyền sở hữu trí tuệ, trợ giá công nghiệp và cơ cấu hàng rào thương mại, đồng thời mua thêm nhiều hàng Mỹ…, phía Trung Quốc vẫn cứng rắn sử dụng các biện pháp trả đũa. Một trong số đó là việc áp thuế 25% với hầu hết các mặt hàng thịt lợn của Mỹ. Ước tính, mức thuế thịt lợn Mỹ phải gánh sẽ tăng lên mức 88% từ tháng 7, sau khi cộng thêm 10% thuế giá trị gia tăng.

   Mỹ là một trong những quốc gia xuất khẩu thịt lợn lớn sang Trung Quốc. Trong năm 2017, nước này xuất 489 triệu USD thịt lợn qua thị trường tỷ dân. Theo số liệu của hải quan Trung Quốc trong quý I, Mỹ là nước xuất khẩu thịt lợn nhiều nhất với 117.000 tấn thịt lợn. Động thái của Trung Quốc khiến các doanh nghiệp chăn nuôi Mỹ gặp khó và cánh cửa bước vào thị trường đông dân nhất thế giới hẹp lại. Tuy nhiên, điều này lại mở ra cơ hội với một nước láng giềng có truyền thống nông nghiệp như Việt Nam.

Trong một cuộc trao đổi gần đây, ông Nguyễn Như So - Chủ tịch HĐQT của CTCP Tập đoàn Dabaco, doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về sản xuất thức ăn chăn nuôi và kinh doanh nông sản - cho biết chiến tranh thương mại Trung - Mỹ hầu như không có tác động tiêu cực tới lĩnh vực chăn nuôi của Việt Nam, mặt khác có thể mang đến tín hiệu tích cực với xuất khẩu thịt lợn. “Hai bên chiến tranh, tôi nghĩ phần khó dành cho nông dân Mỹ nhiều hơn”, ông So nói.

   Các nước thắt chặt nguồn cung heo nội địa và cơ hội cho Việt Nam

   Cuối năm 2017 là thời hạn chót với các hộ chăn nuôi, trang trại lợn không đủ tiêu chuẩn tại Trung Quốc phải đóng cửa hoặc di dời, sau khi Chính quyền ông Tập Cận Bình đẩy mạnh chiến dịch chống ô nhiễm môi trường.

   Để thực hiện lời hứa “mang bầu trời Bắc Kinh xanh trở lại”, Trung Quốc đã thắt chặt các luật bảo vệ môi trường, quy hoạch lại khu vực chăn nuôi heo, tăng hình phạt cho các cơ sở không đủ chuẩn. Hệ quả là quy mô đàn heo của Trung Quốc lao dốc, đỉnh điểm trong tháng 10/2017 đàn heo của nước này giảm 6,6% so với cùng kỳ, cao nhất gần 2 năm qua.

   Tương tự Trung Quốc, Việt Nam sắp tới cũng dự kiến thông qua Luật Chăn nuôi với những quy định về vùng sản xuất và yếu tố môi trường. Với cương vị Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, ông Nguyễn Như So kỳ vọng Bộ luật sẽ giúp kiểm soát nguồn cung heo trên thị trường, hạn chế các hoạt động chăn nuôi đơn lẻ, tự phát và tập trung vào các đơn vị chuyên nghiệp. Điều này khiến tính trạng mất giá, bất ổn như giai đoạn 2016-2017 không lặp lại và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp đầu tư quy củ, chuyên nghiệp (để đáp ứng yêu cầu về sản xuất, môi trường), điển hình như Dabaco, Masan, CP...

   Với Dabaco, ông So cho biết, công ty đã tiên liệu trước việc quy hoạch chăn nuôi và chuẩn bị kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh trung và dài hạn.

   Từ đầu năm đến nay, giá thịt heo tại Việt Nam liên tục tăng. Tới cuối tháng 8, giá heo dao động 50.000 -54.000 đồng/kg, tăng 67% so với đầu năm. Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), nguyên nhân giá heo tăng do nhiều hộ gia đình phải ngừng chăn nuôi, không tái đàn sau thời gian dài thua lỗ từ năm trước.

   Mặt khác, thị trường Trung Quốc bớt dư thừa cũng là cơ hội để Việt Nam có thể xuất trở lại. Nguồn cung bị siết cùng với bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi leo thang đang khiến giá heo hơi Trung Quốc hồi phục từ cuối tháng 6, dao động quanh mức 46.000-49.000 đồng/kg.

   Đối với vấn đề xuất khẩu giữa hai nước, theo ông Nguyễn Như So, Việt Nam hiện chưa có đường biên xuất khẩu chính nông sản chăn nuôi sang Trung Quốc do nước này có lệnh cấm nhập khẩu động vật Việt Nam vì bệnh lở mồm long móng tại vùng biên từ năm 2012. Hiện Chính phủ hai bên đang làm việc tích cực để đánh giá việc kiểm soát tình hình dịch bệnh mà lâu nay Việt Nam không còn tồn tại bệnh này nữa; đồng thời thực hiện từng bước để tiến tới ký kết các hiệp định thương mại xuất khẩu động vật giữa hai nước.

   Với những tín hiệu tích cực từ thị trường trong nước và nước ngoài, các doanh nghiệp chăn nuôi trong nước đã ghi nhận những chuyển biến tích cực trong nửa đầu năm. Như trường hợp Dabaco đã ghi nhận kết quả khởi sắc so với nửa đầu 2017 với doanh thu tăng 17% và lợi nhuận sau thuế đột biến gần 93 tỷ đồng. Cập nhật đến tháng 7, công ty có lãi ròng 148 tỷ đồng, thực hiện 60% kế hoạch năm. Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, trong thời gian tới giá thịt lợn hơi sẽ giữ ổn định ở mức giá tốt. Với diễn biến này, đến hết tháng 9, công ty kỳ vọng hoàn thành kế hoạch cả năm với lợi nhuận ròng 246 tỷ đồng.

   Một đơn vị khác là Tổng CTCP Chăn Nuôi Việt Nam (UPCoM: VLC) nửa đầu năm cũng ghi nhận lợi nhuận ròng tăng 50% đạt gần 76 tỷ đồng. Trong đó riêng quý II, lãi ròng tăng 38% so với quý I và cao hơn 59% so với cùng kỳ 2017.

   Tương tự 2 doanh nghiệp trên, Masan Nutri-Science, công ty con của Tập đoàn Masan hoạt động ở lĩnh vực chăn nuôi cũng ghi nhận doanh thu tăng 9% trong quý II so với quý I. Đơn vị này kỳ vọng thị trường sẽ phục hồi hoàn toàn trong nửa cuối năm 2018 khi người chăn nuôi bắt đầu tăng đàn và chuyển sang các sản phẩm thức ăn chăn nuôi công nghiệp năng suất cao.

Theo: NDH

Các tin khác

   
Xem tin theo
   
 
Trang chủ|
Giới thiệu|
Tuyển dụng|
Câu hỏi thường gặp
   
CÔNG TY CỔ PHẦN TẬP ĐOÀN DABACO VIỆT NAM
Địa chỉ : Số 35 - Đường Lý Thái Tổ  - Thành Phố Bắc Ninh - Tỉnh Bắc Ninh
Điện thoại : (0222) 3826077 - 3895111. Fax : (0222) 3826095 - 3825496
Email : contact@dabaco.com.vn. Website: http://www.dabaco.com.vn
@2012 Bản quyền thuộc về Dabaco.com.vn. Ghi rõ nguồn dabaco.com.vn khi phát hành lại thông tin từ Website này

Số thành viên online  88      

Số lượt truy cập  26.697.354    

Thiết kế web:FINALSTYLE