Dự thảo Luật Nhà ở đã bổ sung những quy định “mới tinh” về quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư
Phê duyệt dự án sai có thể bị đi tù
Tại dự thảo Luật Nhà ở trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách giữa tuần này, Ban soạn thảo đã bổ sung một điều “mới tinh” về quyền và trách nhiệm của chủ đầu tư xây dựng nhà ở thương mại.
Theo đó, chủ đầu tư nhà ở thương mại có quyền “yêu cầu cơ quan có liên quan thực hiện các thủ tục theo đúng quy định trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện dự án” và “yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các thủ tục để cấp Giấy chứng nhận cho người thuê mua, người mua nhà ở theo quy định của luật”.
Trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản nhìn nhận, đây là một bước tiến lớn trong tư duy của các nhà làm luật. Từ trước đến nay, các doanh nghiệp khi đi làm các thủ tục trên luôn ở trong thế của người “đi xin” trong khi cơ chế xin - cho luôn kéo theo hệ lụy là sự tốn kém về tiền bạc, thời gian và cả sự mệt mỏi về tinh thần. Vì vậy, chỉ với 3 từ “quyền yêu cầu” đã là một cuộc cách mạng trong triển khai các thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các chủ đầu tư cũng bị ràng buộc bởi các chế tài bằng những quy định về trách nhiệm. Chẳng hạn, ngoài trách nhiệm thực hiện dự án theo đúng tiến độ, đúng quy hoạch, đúng thiết kế…, một trong những trách nhiệm mà doanh nghiệp cho là “xương xẩu” nhất là quy định trong thời hạn 50 ngày kể từ ngày bàn giao nhà ở cho người mua hoặc kể từ ngày hết hạn thuê mua nhà ở theo thỏa thuận, chủ đầu tư phải làm thủ tục để cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cho người mua, người thuê mua nhà ở.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng đưa ra những quy định rất “rắn” để xử lý đối với người vi phạm pháp luật về nhà ở, như xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định của pháp luật trong việc chấp thuận chủ trương xây dựng nhà ở; thẩm định, phê duyệt dự án xây dựng nhà ở; quyết định, thẩm định giá bán, giá thuê, giá thuê mua nhà ở; thực hiện các chính sách hỗ trợ về nhà ở…
Ngay cả các hành vi như thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật về nhà ở hoặc có hành vi vi phạm khác gây thiệt hại đến quyền và lợi ích của Nhà nước, của các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển nhà ở, của các chủ sở hữu nhà ở và người sử dụng hợp pháp nhà ở; hoặc vi phạm các quy định về trình tự, thủ tục hành chính trong lĩnh vực nhà ở; vi phạm các quy định về báo cáo, thống kê trong quản lý nhà ở, cũng sẽ bị xử lý nghiêm, nặng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Người nước ngoài phải sống ở Việt Nam mới được mua nhà
Một điểm mới nữa được ghi nhận trong dự thảo Luật lần này là về quyền sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài. Theo quy định của dự thảo Luật được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào tháng 8/2014, thì cả Việt kiều và cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam đều được sở hữu nhà ở.
Tuy nhiên, sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ban soạn thảo đã sửa đổi nội dung của quy định này để bảo đảm chặt chẽ hơn. Theo quy định mới, đối với cá nhân nước ngoài, phải đang học tập, làm việc, sinh sống tại Việt Nam mới được sở hữu nhà ở; giao Chính phủ quy định về số lượng căn hộ chung cư cụ thể cá nhân nước ngoài có thể sở hữu trong trường hợp một khu vực dân cư có nhiều tòa nhà chung cư, để bảo đảm tính linh hoạt cũng như về vấn đề an ninh quốc phòng.
Cũng liên quan đến quyền của chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, cá nhân nước ngoài, dự thảo Luật bổ sung quy định, đối với cá nhân nước ngoài, được sở hữu nhà ở theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán nhà ở, nhưng tối đa không quá 50 năm, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận và có thể được gia hạn thêm theo quy định của pháp luật Việt Nam nếu có nhu cầu; trường hợp cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam thì được sở hữu nhà ở ổn định, lâu dài. Đồng thời, chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, cá nhân nước ngoài có nghĩa vụ thực hiện thanh toán tiền mua, thuê mua nhà ở thông qua tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam.