Hiệu quả kinh tế của mô hình này đã khiến nhiều nông dân tại TPHCM dần thoát khỏi tư duy sợ hãi với HTX kiểu cũ, gia nhập HTX Thỏ Việt để làm ăn!
KHÔNG PHÂN BIỆT ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH
Chúng tôi tới khu vực trồng rau VietGAP của HTX nông nghiệp Thỏ Việt nằm trên địa bàn xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi vào một buổi chiều khá âm u, mây đen vần vũ do ảnh hưởng của cơn bão đang tiến vào khu vực Nam Trung bộ. Vậy nhưng, trên cánh đồng rau rộng thẳng cánh cò bay rộng hàng chục ha hầu hết được trang bị nhà lưới, không khí làm việc vẫn hết sức khẩn trương.
Chị Nguyễn Thị Đáng, tổ trưởng tổ rau lá cùng với nhóm của mình (chừng 10 người) đang gieo giống cải ngọt, thấy chúng tôi hỏi chuyện liền cười nói vui vẻ: “Chị em ở đây là công nhân, ngày làm 8 tiếng, ăn lương theo tháng y như làm ở các khu công nghiệp vậy”. Chúng tôi tỏ ra khá ngạc nhiên vì xưa nay có nghe đến công nhân cao su, công nhân nuôi trồng thủy hải sản; chứ tuyệt nhiên chưa nghe đến… công nhân trồng rau. Nhưng khi nhìn kỹ lại mới thấy chị Đáng nói thật, vì mọi người đều mặc đồng phục của HTX hẳn hoi.
Lúc này, chị Nguyễn Thị Ánh Ngọc - Chủ nhiệm HTX, dáng cao gầy cũng đang lúi húi hướng dẫn công nhân trồng rau tại vườn, nói với chúng tôi: “Muốn cơ giới trên đồng ruộng thì phải gom đất lại, tạo diện tích lớn thì làm ăn mới có lời. Riêng chỗ này rộng 50 ha, còn nhiều vùng khác ở khắp các huyện như Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ và một số tỉnh lân cận rộng gần 150 ha nữa. Ngày nào cũng đi đi, lại lại khỏi cần… tập thể dục”.
Trước đây, chị Ngọc thành lập công ty TNHH Thỏ Việt chuyên nhập khẩu thịt từ các nước châu Âu, châu Mỹ về bán, đồng thời thu mua rau từ VN để XK ngược lại. Tuy nhiên, do lượng rau sạch đạt tiêu chuẩn VietGAP thời điểm đó quá ít, không đủ sản lượng để cung ứng. Năm 2009 chị Ngọc đã liên kết một số hộ nông dân cho ra đời HTX Thỏ Việt chuyên sản xuất rau VietGAP. Dự tính ban đầu là để XK, nhưng sau đó thấy nhu cầu rau sạch tại thị trường nội địa rất lớn nên HTX dành phần lớn cung ứng cho người tiêu dùng trong nước, đặc biệt là TP.HCM.
Hệ thống nhà màng trồng dưa lưới, dưa hấu, hạt giống các loại của HTX Thỏ Việt
Lúc mới thành lập, HTX chỉ có 10 ha với 12 xã viên, sau 4 năm phát triển, chị Ngọc đã quy tụ được gần 200 ha với 29 xã viên. “HTX ban đầu rất gian nan vì đặc thù nông nghiệp VN không phải công nghệ cao và có muốn áp dụng công nghệ cao cũng rất khó. Trước khi làm, các xã viên nghiên cứu rất kỹ về công nghệ, nhưng khi áp dụng vào thực tế thì khác hẳn. Nếu đầu tư toàn bộ dạng nhà kính, nhà lưới như kiểu Israel thì giá thành mỗi ha lên tới vài tỷ, trong khi giá rau tại VN rất thấp, thị trường bấp bênh lúc lên lúc xuống. Đứng trước bài toán này, HTX quyết định dành 4 ha đầu tư nhà màng hiện đại để trồng một số loại rau, trái có giá trị cao (như dưa lưới, dưa hấu không hạt, các loại hạt giống…), còn lại là đầu tư nhà lưới đơn giản theo kiểu VN, giá thành thấp mà vẫn đảm bảo nguồn rau sạch theo đúng tiêu chuẩn VietGAP” - chị Ngọc nói.
Điều đặc biệt, do TP.HCM đất rất hạn hẹp, chị Ngọc cùng các xã viên đã liên kết với một số tỉnh như Lâm Đồng, Đắk Nông, Long An, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước bằng cách ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với điều kiện phải làm theo quy trình VietGAP. HTX sẽ chuyển giao quy trình, cung ứng vật tư nông nghiệp, giám sát quá trình sản xuất. Khi sản phẩm thu hoạch sẽ được kiểm tra chất lượng trước khi HTX thu mua để cung ứng cho thị trường. Cách làm này giúp HTX không những mở rộng quy mô mà còn có được nhiều chủng loại rau với sản lượng lớn. Theo chị Ngọc: “Thổ nhưỡng mỗi nơi mỗi khác, thế mạnh của TP.HCM là rau ăn lá (rau muống, rau đay, mồng tơi, cải ngọt…), thì ở Long An là các loại rau thơm (kinh giới, húng quế, ngò gai, tía tô…), Lâm Đồng là rau củ (bắp cải, cà rốt, khoai tây)… Vì thế, HTX có thể đáp ứng tất cả các chủng loại rau, củ, quả cho khách hàng dù bản doanh nằm tại TP.HCM”.
NẮM CHẮC HỆ THỐNG PHÂN PHỐI
Sau khi đã đi qua hàng loạt cánh đồng rộng mênh mông, trồng đủ loại rau VietGAP, chúng tôi hỏi chị Ngọc: “HTX của chị hình như không “đáng sợ” như HTX kiểu cũ mà nông dân thường nghĩ?”.
Tổ trồng rau ăn lá của chị Đáng bên cánh đồng rau VietGAP của HTX Thỏ Việt
Chị Ngọc nói ngay: “HTX kiểu cũ là mang tính vận động, chủ yếu yêu cầu nông dân tham gia. Thực tế nhiều người không thích nhưng họ vẫn vào theo kiểu phong trào mà không có bất cứ lợi ích gì. Còn HTX của chúng tôi là làm ăn thực, ai vào sẽ có được lợi ích kinh tế nhưng phải tuân thủ mọi quy định đề ra. Hiểu nôm na là bây giờ có hàng trăm người đang làm đơn “xin” vào HTX Thỏ Việt, chứ không phải kiểu HTX ngày xưa là “bị” vào. Xã viên của chúng tôi được rất nhiều quyền lợi: được chuyển giao quy trình sản xuất rau VietGAP, được bao tiêu 100% sản phẩm, được sử dụng dịch vụ vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc BVTV, nhà lưới…) với giá gốc, được bù lỗ khi có rủi ro thiên tai. Các sản phẩm của xã viên còn được chốt giá trước, đảm bảo có lãi. Trường hợp xã viên nào không muốn chốt giá trước thì HTX linh hoạt cho bán theo giá thị trường tại thời điểm thu hoạch. Cách làm này giúp mỗi xã viên thỏa mãn quyền quyết định và chịu trách nhiệm đến phần diện tích đất và rau của mình theo từng vụ, từng quý hay từng năm”.
Tích tụ ruộng đất để cơ giới hóa trên đồng ruộng tại HTX Thỏ Việt
- Vậy rõ ràng, để đảm bảo các quyền lợi cho xã viên, hẳn HTX có bí quyết lớn về vấn đề thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định? - chúng tôi hỏi tiếp.
- Bí quyết phát triển của HTX là ngay từ đầu phải nắm được toàn bộ hệ thống phân phối, đầu ra cho sản phẩm, vì đây là yếu tố quyết định đến toàn bộ sự sống còn. Với nhiều chiến lược để xâm nhập, đến nay toàn bộ hệ thống siêu thị Co-op mart, Big C, Maximark, Queenland, Giant, Vinatext, Citimart, Văn Lang, Lotte Mart và hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch, hệ thống cửa hàng rau sạch của HTX, bếp ăn công nghiệp, cùng các chợ đầu mối nông sản lớn nhất phía Nam như Thủ Đức, Tân Xuân, Hóc Môn… tiêu thụ 40 - 50 tấn rau của Thỏ Việt mỗi ngày. Ngoài bán trong nước, HTX còn cung cấp một lượng rau thơm khá lớn cho một số công ty chuyên XK rau sang châu Âu với giá cao, bù lại giá bán thấp tại các chợ lẻ truyền thống và những khi hao hụt vì thiên tai” - chị Ngọc nói.
Cái hay nữa là từ việc nắm chắc đầu ra, HTX cũng lấy ngay hệ thống này làm biện pháp chế tài cho tất cả xã viên. Theo quy định, bất cứ xã viên nào không tuân thủ các quy định, điều lệ, đặc biệt là không đảm bảo chất lượng sản phẩm, lập tức bị HTX chế tài bằng cách cắt toàn bộ đầu ra. Vì thế, khi đã vào HTX thì ai cũng có ý thức làm ăn đàng hoàng, thấy mình phải có trách nhiệm với sự sinh tồn và phát triển của nó.
KỴ NHẤT CHUYỆN HỌP HÀNH Ngoài diện tích gần 200 ha của 29 xã viên, HTX Thỏ Việt còn đang quy tụ hàng trăm ha của vài trăm xã viên dự bị ở nhiều vùng miền và có khoảng 200 công nhân cùng hàng chục kỹ sư nông nghiệp, nhân viên văn phòng; nhưng điều lạ là HTX không mấy khi phải tổ chức họp hành. Theo giải thích của chị Ngọc: “Đơn giản là thời gian làm còn thiếu, huống hồ lôi nhau ra họp mất thời gian”. Do hoạt động của HTX trôi chảy, một vài mắc míu đều được các xã viên giải quyết thông qua trao đổi bằng điện thoại hoặc gặp mặt trực tiếp trong quá trình vận hành HTX. “Gần như ngày nào các xã viên cũng gặp mặt nhau trên ruộng, trong nhà máy sơ chế, hay chợ đầu mối nông sản, có gì đều trao đổi hết rồi nên không cần phải họp nhiều. Cái dở của nhiều HTX là chỉ lo họp hành suốt, còn chúng tôi chỉ tập trung cho làm việc thôi!”. |
Báo Nongnghiep.vn