Tiếng túc túc của gà con mổ trong máng cám xen lẫn tiếng bồm bộp phát ra không ngừng từ mỏ của lũ gà choai. Phớt lờ đám ham ăn, ham uống, ngoài sân các chú gà trống trưởng thành lịch bịch sải những bước chân theo điệu vũ riêng với chín cái cựa, khoe một thân hình rắn chắc có năm màu ngũ hành đỏ son của mào, vàng rơm của chân, đen trắng xen xanh cánh trả của lông. Trên đầu chúng nhất nhất đều được trang bị một cặp kính tí xíu để chỉ có nhìn thẳng xuống máng cám chứ không thể “nhìn đểu” đồng bọn tránh lại nói chuyện với nhau bằng cựa, bằng quyền cước. Khách tham quan và đàn gà cách nhau một tấm kính cách ly.
Cũng qua tấm kính đó người ta thấy những công nhân đang vận hành chiếc xe điện chạy ve ve giữa các khu vực, lúc kiểm tra máng ăn, máng uống, lúc cân đo trọng lượng của đám gia cầm. Đó là quang cảnh độc nhất vô nhị của Trung tâm Nghiên cứu Gà chín cựa mà Tập đoàn Dabaco Việt Nam mới đầu tư hàng trăm tỉ với 63.000 con gà chín cựa các loại.
Đàn gà cựa đang nhú
Cơ duyên đó là do sự ám ảnh của ông Nguyễn Như So, Tổng giám đốc Tập đoàn, với loài gà từ trong truyền thuyết. Gà chín cựa có thật hay không chỉ là huyền thoại? Để trả lời cho câu hỏi đó thực không dễ. Hễ nghe đâu có loài “thần kê” này ông đều đích thân hoặc cho quân tìm đến. Nào ở huyện Tương Dương tỉnh Nghệ An hay ở Vườn Quốc gia Xuân Sơn tỉnh Phú Thọ, xa xôi nào có quản ngại nhưng khi tìm đến đều là giống gà chín ngón. “Ngón có ngay từ khi gà bóc trứng đã có còn cựa phải khi trưởng thành mới nhú và chỉ có ở đám gà trống. Từ lâu người ta đã hoàn toàn nhầm lẫn giữa gà chín ngón và gà chín cựa”, ông So bảo.
Một lần nghe tin có gà chín cựa ở một bản làng xa xôi trên Lạng Sơn, vội vàng bôn bả tìm đến hóa ra vẫn là gà chín ngón. Hỏi về nguồn gốc, cặp vợ chồng người Dao dưới chân núi Mẫu Sơn cứ thực thà rằng: “Gà này em lấy giống ở Cty Dabaco chứ đâu. Cứ mỗi hôm chúng em lại mang vài con đóng vào rọ tre rồi đem bán cho khách du lịch. Họ thích mua lắm bác ạ! Kiếm cũng khá”.
Thôi thì cũng cười xòa với nhau một tiếng bởi theo phong trào “gà chín ngón” chính Tập đoàn Dabaco của ông đã tung ra hàng vạn con giống dạng như vậy thế nhưng trong tâm trí của ông vẫn còn lăn tăn khi sản phẩm của mình vẫn núp danh gà chín cựa. Tình cờ một bận, Giám đốc và Phó Giám đốc Cty Gà giống Dabaco đến một trang trại ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) giới thiệu kỹ thuật nuôi và được chủ trại xởi lởi mời: “Biết các anh chuyên về con gà rồi nhưng hôm nay tôi đãi món gà này xem ăn có khác không nhé!”.
Nhìn đĩa thịt gà to ú ụ, da vàng tươm, nhóng nhánh mỡ, thơm ngào ngạt cả hai phán đoán đây là giống gà quê nuôi kiểu thả rông, ăn chắc là khoái từng con tì, con vị đây. Chẳng khách khí gì nữa, chén! Câu chuyện càng rôm rả, đĩa thịt gà càng vơi đi nhanh chóng thế nhưng lúc gắp phải hai cái chân cứ thấy là lạ. Giơ cặp chân lên ngắm nghía một hồi đếm đủ chín cựa thì cứ như lời Giám đốc Nguyễn Hoàng Nguyên: “Tôi đắng hết cả mồm miệng khi nhìn thấy cái chân gà đó chú ạ! Gà chín cựa bằng xương, bằng thịt rõ ràng thế này mà mình tìm mãi chẳng thấy tăm hơi đâu”.
Gà chín cựa trưởng thành
Bỏ dở đĩa thịt gà, xoắn xéo hỏi gia chủ, cả hai đồng loạt thở phào khi nhận được câu xác tín: “Còn hai con”. Tin được cấp báo lên cho Tổng giám đốc. Ba bốn giờ tối, mấy thầy trò bươn bả phi xe xuống gạ mua trước cặp mắt tròn xoe kinh ngạc của trại chủ. Màn trả giá mới thực kỳ khôi! Bao nhiêu tiền cũng không mua được cái gật đầu nhưng ông lại khảng khái quyết định biếu không vì: “Tao nghe tiếng mày lọ mọ về gà đã lâu nên tặng con giống này về nhân ra cho thiên hạ được nhờ”. Trang trại đó ở trên đất thủy tổ của Kinh Dương Vương tức huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh ngày nay.
Thấy được tâm huyết khoa học đó cũng có một số dịp các anh được người ta tặng gà nhiều cựa để nghiên cứu nhưng không con nào đủ chín cả: “Gà nhiều cựa có hai dòng, mỗi chân có ba cựa hình tam giác gọi là lục đinh còn mỗi chân có năm cựa nhưng một cựa lép chính là giống chín cựa. Loại này cựa hình tròn chứ không phải tam giác”.
Con gà giống chín cựa đất thủy tổ là một con gà chọi chính cống với đặc điểm hiếu chiến và hung dữ. Tuy có chín cựa nhưng ông So cảm thấy nó chưa đủ để thành một thần kê trong truyền thuyết vì vóc dáng xấu, lông ngắn, chân chì. Vậy là những chuỗi ngày khổ cực tạo giống bắt đầu.
Ông So bên con gà cựa
Chân con trống có nhiều cựa sắc nhọn nên nhảy là gà mái trầy da, chảy máu. Hễ nhìn thấy bóng nó từ xa là lũ mái đã cụp đuôi bỏ chạy. Đành lọ mọ học… mát - xa cho gà để lấy tinh mà thụ nhân tạo cho gà mái vậy. Đến ngay cả khẩu phần ăn cho gà trống cũng phải nghiên cứu thật tỉ mỉ xem những chất nào có tác dụng như… viagra rồi tổng hợp lại mà bồi bổ cho nó.
Gà cựa rất hiếu chiến nên phải đeo kính để đỡ mổ nhau
Lai tạo từng phẩm chất lấy cựa, lấy màu lông, màu chân, cầu kỳ từng tháng, từng năm mất hàng ngàn con gà mới chọn lọc thành hình được một thần kê đúng chuẩn với màu sắc, kích thước lẫn mùi vị thơm ngon khó trộn lẫn. Những chú gà lộc ngộc nặng 3-4 kg, nuôi cả chục tháng mới nhú đủ cựa, gột trên một năm cựa mới bật hết rất hung dữ. Nếu gà chọi thường có “song kiếm” thì giống này có tới “cửu kiếm” nên lắm anh yếu bóng vía trông thấy đã co giò mà chạy thẳng cổ.
Theo thời gian, cả vạn con gà chín cựa lần lần được nhân giống theo kiểu thụ tinh nhân tạo này. Hiện các nhà khoa học của Trung tâm đang nghiên cứu làm sao để thúc cho cựa gà nẩy nhanh hơn, màu ngũ sắc trổ đẹp hơn.
Biết tiếng về giống gà quý, một hôm có vị khách lạ tìm đến và xin đặt cọc một lúc cả ngàn con với giá 3 triệu đồng/con. Thì ra đây là một “chuyên gia” về hàng biếu xén từ Hà Nội. Hắn nói thẳng luôn: “Biếu một chai rượu tây vài triệu đồng giờ nhạt toẹt bởi người ta phần ngại rượu rởm, phần e bệnh gan chẳng bằng biếu một con gà độc thế này, con gà đến vua Hùng còn phải gả công chúa cho huống hồ”.
Từ chối đơn đặt hàng vô cùng hấp dẫn của vị khách nọ, ông So bảo tôi rằng Tết này sẽ tung khoảng 10.000 con ra thị trường: “Chúng tôi muốn xây dựng một thương hiệu gà cúng đặc biệt, thiên về tâm linh đó là gà chín cựa”. Một mẫu lồng tre cầu kỳ và vô cùng chắc chắn cũng được thửa riêng để chuẩn bị cho sự kiện này.
Khi tôi hỏi chuyện bản quyền có bị mất không khi tung ra hàng vạn con gà vào dịp Tết? Ông So cười: “Đó là sản phẩm lai nên dù nó có đạp mái thông thường lúc nở ra gà con cũng không có chín cựa hoặc không có màu lông ưng ý đâu mà lo”. |
Nguồn: Nongnghiep.vn