Mặc dù chăn nuôi trong nước đang gặp khó khăn, nhưng chúng ta phải chấp nhận thôi. Vì khi đã gia nhập WTO, cũng như ký kết các hiệp định thương mại khác, thì người chăn nuôi sẽ phải dần thích nghi với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Hiện nay, với nhập khẩu chính ngạch, Nhà nước cũng chỉ kiểm soát bằng cách lập các hàng rào kỹ thuật về thú y, an toàn thực phẩm, chất lượng…, chứ không thể nói vì sản xuất trong nước ế ẩm mà không cho nhập. Họ nhập vào nhưng vẫn cạnh tranh được về giá, vẫn bán được hàng thì chúng ta không thể cấm.
Ngoài ra, việc tăng lượng thịt nhập khẩu thời gian qua cũng là do cân đối thị trường trong nước, cầu cao thì sẽ tăng nhập, cộng thêm tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng. Ngay cả khi giá tương đương nhau, thì người tiêu dùng cũng sẽ chọn bò Úc thay bò Việt, chứ chưa nói đến việc giá bò Úc rẻ hơn.
Do đó, không còn cách nào khác là người chăn nuôi trong nước phải chủ động nâng cao khả năng cạnh tranh bằng việc tăng sản lượng, chất lượng và giảm giá thành. Để làm được điều này, bà con phải chuyển dần từ chăn nuôi nông hộ, quy mô nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa, tăng cường liên doanh liên kết, áp dụng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học để đảm bảo an toàn thực phẩm, từ đó cạnh tranh bền vững với sản phẩm nhập khẩu.
Dự kiến tháng 12 tới, Bộ NNPTNT sẽ ban hành chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ, hiện Cục đang hoàn tất nội dung dự thảo này. Chúng ta phải xác định chăn nuôi nông hộ sẽ còn tồn tại 10 – 20 năm nữa, do đó cần có giải pháp hỗ trợ hợp lý để thúc đẩy chăn nuôi trong nước phát triển.
Minh Huệ
Báo NTNN