Ngô và gạo lứt có thể thay thế hoàn toàn nhập khẩu nguyên liệu TACN nhóm năng lượng nếu có quy hoạch và cơ chế thu mua, vận chuyển hiệu quả. Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Nhập khẩu những sản phẩm không lợi thế
Theo GS.TS Vũ Duy Giảng, chuyên gia dinh dưỡng động vật (ĐH Nông nghiệp I), cần phân biệt 3 nhóm nguyên liệu trong sản xuất TACN: Nguyên liệu cung cấp năng lượng, nguyên liệu cung cấp đạm, phụ gia.
Đối với nhóm đạm (chủ yếu là khô đỗ tương), chúng ta phải chấp nhận nhập khẩu vì năng lực sản xuất đỗ tương của ta còn rất hạn chế. Bởi diện tích trồng đậu tương hiện tối đa chỉ đạt 300.000 ha và với năng suất cao nhất hiện nay là 3,5 tấn/ha, sản lượng cũng chỉ đạt hơn 1 triệu tấn hạt (trên thực tế năng suất trung bình đậu tương của Việt Nam chỉ đạt khoảng 1,3 tấn/ha, thấp nhất thế giới), trong khi nhu cầu sản xuất TACN là 3 triệu tấn khô dầu và khoảng 1 triệu tấn đậu tương nguyên hạt.
Với nhóm nguyên liệu cung cấp năng lượng (gồm ngô và lúa mì) thì chúng ta hoàn toàn có thể hạn chế nhập khẩu bằng cách sử dụng “gạo lứt” cũng như tăng tỷ lệ khoai, sắn trong khẩu phần thức ăn cho lợn và gia cầm.
Đối với nhóm phụ gia cần khuyến khích liên kết giữa các cơ sở nghiên cứu khoa học với các doanh nghiệp để sản xuất các phụ gia mà chúng ta có tiềm năng như phụ gia bổ sung khoáng (mono và di-calcium phosphate), phụ gia vi sinh, phụ gia mầu và các thuốc phòng chống bệnh nguồn gốc thảo dược.
Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội TACN, cũng đồng tình với ý kiến tập trung nhập khẩu nhóm đạm. Ngoài ra, dù có bờ biển dài nhưng chúng ta vẫn phải nhập bột cá vì không đủ tàu đánh bắt xa bờ và cơ sở chế biến, nên bột cá trong nước chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu.
Việc nhập khẩu những nhóm nguyên liệu phụ gia cũng đòi hỏi sự vào cuộc của các ngành công nghiệp liên quan. Việc xác định được những chất cần thiết với giá thành hợp lý cũng là yếu tố để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất TACN.
Xác định những nguyên liệu chủ lực
GS.TS Vũ Duy Giảng cho rằng cơ cấu thức ăn gia súc, gia cầm của nước ta hiện nay không phù hợp với cơ cấu cây trồng. Ở Việt Nam, với cơ cấu cây lúa là chủ lực thì cơ cấu bữa ăn cho người lấy “gạo” là chủ lực, nhưng cho gia súc, gia cầm lại lấy “ngô-khô đậu tương” làm chủ lực. Chính vì cơ cấu này mà TACN nước ta phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Ông Lịch so sánh chúng ta xuất khẩu được khoảng 3 tỷ USD tiền gạo thì nhập khẩu đến 3,7 tỷ USD nguyên liệu TACN. Vậy liệu có thể dùng nguyên liệu sẵn có là gạo để sản xuất TACN? Do vậy, theo các chuyên gia chăn nuôi, cần phải đưa thóc, gạo vào khẩu phần gia súc, gia cầm.
Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Từ trước đến nay, phụ phẩm của thóc như cám, tấm vẫn được sử dụng phổ biến, tuy nhiên để thay đổi cơ cấu TACN theo hướng thóc, gạo thì cần tăng cường sử dụng “gạo lứt” (có khối lượng bằng 80% của thóc, bao gồm hỗn hợp của gạo trắng+tấm+cám). Về mặt dinh dưỡng, các nghiên cứu của thế giới đã cho biết loại gạo lứt có thể hoàn toàn thay thế ngô và mì trong khẩu phần cho lợn và gia cầm.
Tuy nhiên, gạo lứt hiện chỉ có thể sử dụng thay thế một phần để làm TACN cho gia cầm là chính, còn lại vẫn trông chờ ở ngô cho ngành chăn nuôi. Hiện nay diện tích trồng ngô cả nước là gần 1,2 triệu ha, năng suất trung bình 43 tạ/ha. Sản lượng ngô hiện dao động trong khoảng 4,5-5 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu về ngô của nước ta hiện nay là trên 5 triệu tấn/năm, kể cả cho chế biến lương thực và chăn nuôi, hơn nữa tổng sản lượng ngô sản xuất vẫn chưa đủ cho nhu cầu trong nước, hàng năm vẫn phải nhập trên nửa triệu tấn.
Đối với nguyên liệu ngô, có một vấn đề nan giải hiện nay là nếu mở rộng diện tích trồng ngô thì dễ xâm phạm đất rừng, vì vậy ngành NNPTNT đang phải tính toán và nghiên cứu để đưa vào trồng những giống ngô có sản lượng cao.
Bên cạnh đó, ngô thường thu hoạch vào mùa mưa nên dễ ẩm mốc, vậy cần có công nghệ chế biến sau thu hoạch (cụ thể là sấy) để tránh ẩm mốc. Trước đó, việc đảm bảo thủy lợi cho vùng nguyên liệu cũng rất quan trọng. “Cứ để ngô toàn uống nước trời thì không thể cho thu hoạch cao được!”, ông Lịch nói.
Về gạo lứt, GS.TS Vũ Duy Giảng cho biết, hạn chế trong sử dụng nguyên liệu này là vấn đề giá. Nếu giá thóc là 5.800 đồng/kg thì giá gạo lứt là 7.250 đồng/kg, nếu tính cả chi phí xay xát thì lên đến 7.300 đồng/kg và như vậy là cao hơn giá ngô hiện nay (7.000-7.200 đồng/kg). Trong khi giá phải thấp hơn hay ít nhất bằng giá ngô thì ngành chăn nuôi hoàn toàn có thể giảm bớt ngô+mì trong khẩu phần và từ đó giảm được sức ép của việc nhập khẩu các loại hạt này.
Để đưa giá gạo lứt tương đương với giá ngô, cần có quy hoạch vùng chuyên trồng lúa cho chăn nuôi và sản xuất lúa theo 2 hướng, một là gieo trồng các giống “siêu năng suất” ở những vùng có điều kiện đất đai và thủy lợi và hai là trồng các giống lúa năng suất bình thường nhưng đầu tư thấp.
Nhưng hơn hết vẫn là câu chuyện tổ chức thu mua nguyên liệu. Hiện nay, việc thu mua ngô đa số là do thương lái tự đầu tư xe tải trọng lớn đến chân ruộng thu mua rồi về bán cho các nhà máy. Muốn giảm được chi phí thì phải tổ chức được thu gom số lượng lớn.
Về hướng sử dụng gạo lứt thì còn xa xôi hơn, ông Lê Bá Lịch nói: “Hiện gạo lứt người dân miền Nam vẫn trồng. Tuy chất lượng thấp nhưng chống chịu sâu bệnh tốt, chăm bón dễ… nhưng gạo chất lượng kém nên không xuất khẩu được. Nếu có cơ chế để chuyển thành TACN thì rất tốt”.
Vướng mắc ở đây là việc không có ai đứng ra tổ chức thu mua. Hiện Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) chỉ thu mua gạo để xuất khẩu; chính quyền xã, huyện thì không có tư cách pháp nhân làm hợp đồng. Ở ĐBSCL đã tổ chức thu mua được nhưng nếu để vận chuyển ra tận ngoài Bắc để chế biến làm TACN thì chi phí quá cao, vậy nên chuyện dùng gạo lứt vẫn còn bỏ ngỏ...
Nhớ lời “Bài ca năm tấn”: “Đất với người cùng một dòng suy nghĩ” bỗng thấy nhiều điều thấm thía trong việc đi tìm giải pháp căn cơ cho việc sản xuất TACN trong nước. Hơn lúc nào hết, cần một sự đầu tư bình tĩnh, căn cơ hơn nữa cho chăn nuôi, một trong những ngành chủ lực của cây “trụ đỡ” nông nghiệp trong nền kinh tế hiện nay.
Đỗ Hương