Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2013 cả nước nhập khẩu 1,21 tỷ USD nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu, tăng 48,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Hiệp hội TACN Việt Nam, đa số đơn vị nhập khẩu nhóm hàng này thuộc về các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Nông dân treo chuồng
Từ đầu năm đến nay, ngành chăn nuôi trong nước lao đao vì dịch bệnh, sản lượng chăn nuôi giảm mạnh, nguồn cung thịt ra thị trường cũng giảm do người tiêu dùng e ngại dịch bệnh. Nhiều hộ chăn nuôi không có khả năng tái đàn, vì thiếu vốn.
Điều nghịch lý ở chỗ, trong khi giá thực phẩm như heo, gà đang rớt 40 - 50%, thậm chí giá bán chỉ bằng nửa so với giá thành thì trong vòng 1 năm trở lại đây, giá TACN bán cho nông dân vẫn tăng khoảng 1.500 đồng/kg.
Theo phân tích của các chuyên gia, thành phần bị tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ nhất từ những khó khăn của ngành chăn nuôi hiện nay là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và các doanh nghiệp nội vốn ít. Theo ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, thủ phủ nuôi heo của cả nước, thì hiện đã có hơn 90% các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong tỉnh treo chuồng hoặc giảm đàn.
Tương tự, Hiệp hội TACN Việt Nam cũng cho biết, khó khăn của ngành chăn nuôi trong 6 tháng qua đã khiến doanh thu của các doanh nghiệp sản xuất TACN trong nước giảm sút từ 30 – 50%, trong đó đã có hơn 40 doanh nghiệp “khai tử”.
Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất TACN ở Lái Thiêu, Bình Dương cho biết, lượng sản phẩm của công ty ông tiêu thụ trong 6 tháng đầu năm nay đã giảm gần 50% so với cùng kỳ. “Chúng tôi đang tập trung thu hồi những khoản nợ cũ nên không ưu tiên cho sản xuất. Sức mua cũng giảm mạnh do nhiều hộ nông dân ở Đông Nam Bộ ngừng việc tái đàn” – vị giám đốc này nói.
Bà Nguyễn Thị Lệ Hồng - Chủ tịch HĐQT Công ty Sản xuất TACN Proconco, cũng thừa nhận sản lượng sản xuất của công ty bà mấy tháng qua giảm từ 15 – 20%. Chính vì thế, việc tăng giá trị nhập khẩu nguyên liệu TACN không thể từ các doanh nghiệp trong nước mà chỉ có thể từ các doanh nghiệp FDI, có nguồn vốn mạnh hơn.
Những con “bạch tuộc” ngoại tiếp tục vươn vòi
Theo đánh giá của các chuyên gia, khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất TACN trong nước lại chính là cơ hội để các doanh nghiệp chăn nuôi FDI, với tài và lực mạnh, có cơ hội đẩy mạnh phát triển để giành thêm thị phần. Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi và Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ giảm mạnh nhưng những trang trại chăn nuôi lớn nuôi theo mô hình công nghiệp hóa lại tăng trưởng tốt hơn 30%, mà đa phần các trang trại này thuộc quyền sở hữu của các doanh nghiệp FDI như CP, Sanmiguel, Japfa, Emivest… Đặc biệt, có sự chuyển đổi từ các hộ chăn nuôi gia đình sang nuôi gia công cho các công ty FDI này.
Anh Nguyễn Văn Ngọc - một trong những “đại gia” từng nuôi hàng trăm nghìn con gà ở huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai, buồn bã cho hay: “Chuyện đó “xưa” rồi bạn ơi. Mấy năm liền nuôi lỗ hàng tỷ đồng khiến cả gia đình “đứt vốn” phải dẹp chuồng và xin nuôi gia công cho Công ty Japfa cũng đã 2 - 3 năm nay rồi”.
Chính vì thế, dễ hiểu là lượng TACN nhập khẩu với số lượng lớn tập trung vào các doanh nghiệp FDI với quy mô nuôi công nghiệp này. Ngoài ra, các công ty chăn nuôi FDI cũng tăng cường nhập khẩu nguyên liệu TACN từ công ty mẹ để tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản xuất trong 6 tháng đầu năm cũng là nguyên nhân khiến nhập khẩu mặt hàng này tăng mạnh.
Hiện chỉ có 15 doanh nghiệp FDI và liên doanh nhưng đã sở hữu tới 44 nhà máy, sản xuất trên 7,15 triệu tấn thức ăn hỗn hợp quy đổi mỗi năm. Theo Hiệp hội TACN, năm 2012, 15 doanh nghiệp FDI này chiếm khoảng 56% thị phần TACN. Tuy nhiên với tình hình “ngoại” đang lấn “nội” hiện nay thì con số này chắc chắn sẽ còn cao hơn nữa trong năm nay.
Ông Phạm Đức Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội TACN Việt Nam thẳng thắn nhìn nhận, trong ngành chăn nuôi, quy luật thị trường đang bắt đầu sàng lọc những doanh nghiệp yếu kém về kinh nghiệm cũng như khả năng tài chính. Những doanh nghiệp này có thể bị phá sản và quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ cũng khó có thể tồn tại trong thời gian tới.
Theo Ngọc Minh
Dân Việt