Chỉ số giá gạo trắng của Oryza, đại diện cho bình quân gia quyền giá gạo trắng hạt dài giá FOB từ các thị trường chính thế giới đạt 479 USD/tấn trong tháng 6, giảm khoảng 2% so với tháng 5, trong bối cảnh giá gạo từ Việt Nam, Thái Lan giảm còn giá gạo Pakistan tăng.
Giá gạo 5% tấm tại Thái Lan và Pakistan là 480 USD/tấn, Campuchia 470 USD/tấn. Gạo Việt Nam có báo giá rẻ nhất, khoảng 370 USD/tấn.
Thái Lan
Giá gạo Thái Lan giảm khoảng 7% trong tháng 6. Giá gạo Thái Lan 5% tấm hôm 1/7 khoảng 480 USD/tấn. Đồng baht Thái Lan giảm khoảng 2% so với cùng kỳ xuống 30,99 baht/USD góp phần làm giảm giá gạo. Iran là thị trường tiêu thụ gạo Thái Lan lớn nhất.
Vào ngày 18/6, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan công bố giảm 20% giá lúa gạo cam kết thu mua theo chương trình thế chấp gạo của chính phủ, từ 15.000 baht xuống 12.000 baht/tấn từ 1/7/2013. Chính phủ Thái Lan cũng giới hạn lượng lúa mua của mỗi nông dân không quá 500.000 baht (khoảng 16.333 USD). Tuy nhiên, quyết định này vấp phải sự phản đối của nông dân, buộc chính phủ Thái Lan giữ nguyên mức giá thu mua cũ.
Trong 6 tháng đầu năm ,Thái Lan xuất khẩu khoảng 1,7 triệu tấn gạo. Với tốc độ hiện tại, xuất khẩu gạo nước này cả năm 2013 chỉ đạt từ 3-4 triệu tấn, giảm mạnh so với 7 triệu tấn năm 2012 và 10,3 triệu tấn năm 2011. Theo chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu gạo Thái Lan, để giải phóng hết 17 triệu tấn gạo tồn kho hiện tại, chính phủ Thái Lan cần giảm giá hỗ trợ mua lúa xuống khoảng 10-11 nghìn baht (khoảng 330-360 USD) mỗi tấn để cạnh tranh với các nhà xuất khẩu gạo toàn cầu khác.
Ấn Độ
Giá gạo Ấn Độ hầu như không đổi trong tháng 6 dù giá đồng rupee Ấn Độ giảm khoảng 5% so với tháng trước xuống 59,5 rupee/USD. Giá gạo 5% tấm Ấn Độ hôm 1/7 khoảng 445 USD/tấn. Giá bán buôn gạo ở Ấn Độ đạt khoảng 2.777 rupee/tạ (khoảng 457 USD/tấn) ngày 27/6, tăng 22% so với cùng kỳ và tăng khoảng 4% so với tháng 5.
Trong khi đó, diện tích trồng lúa vụ Kharif năm nay của Ấn Độ tăng khoảng 32% so với cùng kỳ. Dự kiến sản lượng vụ này đạt kỷ lục 95 triệu tấn trong năm 2013-2014, đưa tổng sản lượng cả nước lên 107 triệu tấn, cao nhất từ trước tới nay. Ngoài ra, Ấn Độ cũng tồn kho tới 33,3 triệu tấn gạo tính đến 1/6, tăng 3,6% so với cùng kỳ và gấp gần 2,3 lần so với 14,2 triệu tấn dự trữ bắt buộc và mục tiêu chiến lược. Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo, xuất khẩu gạo Ấn Độ 2013 đạt khoảng 9 triệu tấn, giảm khoảng 10% so với năm ngoái.
Vào cuối tháng 6, chính phủ Ấn Độ cũng tăng 5% giá hỗ trợ tối thiểu đối với lúa cho vụ 2013-2014 (tháng 10/2013-9/2014) nhưng đồng thời cũng đang xem xét việc giảm lượng gạo mua với giá can thiệp từ 30-75% tại các bang khác nhau xuống khoảng 25% vào thời điểm 1/10/2013.
Việt Nam
Giá gạo Việt Nam giảm khoảng 1-4% trong tháng 6 trong khi Việt Nam đồng vẫn ổn định ở mức 21,025 đồng/USD. Giá gạo Việt 5% tấm cuối tháng 6 khoảng 370 USD/tấn và Việt Nam vẫn là quốc gia có giá gạo rẻ nhất.
Việt Nam xuất khẩu khoảng 3,5 triệu tấn gạo trong nửa đầu năm 2013, tăng 2,1% so với cùng kỳ. Giá gạo xuất khẩu trung bình trong 6 tháng đầu năm khoảng 433 USD/tấn, giảm 9% so với 474 USD/tấn cùng kỳ năm ngoái.
Một số nước xuất khẩu khác
Campuchia xuất khẩu 146.854 tấn gạo trong 5 tháng đầu năm, tăng 127% so với cùng kỳ năm ngoái. Với tốc độ này, lượng gạo xuất khẩu sẽ đạt khoảng 350.000 tấn vào cuối năm nay, tăng so với 205.717 tấn năm 2012.
Giữa tháng 6, Myanmar được Liên minh châu Âu miễn thuế xuất khẩu gạo vào châu Âu với tư cách là một quốc gia kém phát triển.
Một số nước nhập khẩu lớn
Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục nhập khẩu mạnh trong những tháng tới do lo ngại gạo nhiễm cadium quá mức tại một số tỉnh trồng lúa trọng điểm của nước này và giá gạo nội địa cao hơn so với gạo nhập khẩu từ các nước khác như Việt Nam, Pakistan. Nhu cầu nhập khẩu gạo của Trung Quốc trong 2013-2014 được dự báo sẽ vẫn ở mức cao, khoảng 3 triệu tấn.
Tổng lượng gạo dự trữ Philippines tính đến ngày 1/5/2013 khoảng 2,61 triệu tấn, giảm khoảng 2% so với cùng kỳ năm ngoái, đủ để đáp ứng nhu cầu trong 77 ngày hoặc cho đến giữa tháng 7, theo số liệu của Cục Thống kê Nông nghiệp Philippines (BAS).
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng gạo của Nigeria trong 2013-2014 dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục 3,1 triệu tấn, tăng khoảng 31% so với năm 2012-2013.
Senegal đặt mục tiêu tăng sản lượng lúa lên khoảng 1,6 triệu tấn (khoảng 1 triệu tấn gạo) trong 5 năm tới để đạt tự túc gạo vào năm 2018 theo chương trình quốc gia.