Dabaco nghiên cứu giai đoạn 3 thành công
Ngày 14/12/2021 Trung tâm Chẩn đoán Thú y Dabaco đã báo cáo kết quả xác định hiệu lực của vaccine thử nghiệm phòng chống dịch tả lợn châu Phi bằng việc thực hiện công cường độc tại phòng ABSL3 - Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương. Sau 21 ngày tiến hành công cường độc bằng chủng virus dịch tả lợn châu phi độc lực cao tiêu chuẩn với liều chí tử cho tất cả các lô lợn thí nghiệm (đã được tiêm Vắc xin thử nghiệm 28 ngày, 1 liều duy nhất, với các nồng độ pha loãng khác nhau) và lô đối chứng (không được tiêm vaccine thử nghiệm) ghi nhận kết quả như sau: 100% số lợn đối chứng bị chết, trong khi đó 100% số lợn đã được tiêm vaccine thử nghiệm đều sinh miễn dịch và đạt tỷ lệ bảo hộ. Các nhà khoa học của Dabaco đang tiếp tục nghiên cứu, tính toán định lượng và nồng độ pha loãng hợp lý để đảm bảo giá thành và hiệu quả tốt nhất.
Với kết quả này, các chuyên gia tại Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương đã có kết luận vaccine thử nghiệm được nghiên cứu, sản xuất tại phòng BSL3 thuộc Trung tâm Chẩn đoán Thú y Dabaco đạt mức AN TOÀN và BẢO HỘ rất cao. Theo chia sẻ của ông Vũ Đăng Đồng - Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán Thú y Dabaco, kết quả công cường độc xác định hiệu lực vaccine tả lợn Châu Phi tại Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương rất khả quan, chính là cột mốc quan trọng để Dabaco nghiên cứu xây dựng, thúc đẩy quy trình sản xuất và thương mại hóa vaccine trong thời gian sớm nhất.
Trước đó Tập đoàn Dabaco đã tuyên bố hoàn thành 95% khối lượng công việc nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi. Được biết từ giữa tháng 10/2021 phòng thí nghiệm đạt chuẩn BSL3 của Dabaco đã gọi dậy, nuôi cấy cũng như hoàn thành qui trình bảo quản thành công tế bào dòng thường trực PIPIC; gây nhiễm, nuôi cấy, bảo quản thành công chủng virus ASF G-Delta I177L/Delta VLR trên dòng tế bào thường trực PIPIC. Ngày 26/10 các chuyên gia trong phòng thí nghiệm của Dabaco đã tiến hành thử nghiệm vaccine trên đàn lợn để đánh giá độ an toàn, độc lực và hiệu quả của vaccine. Sau thời gian 28 ngày thử nghiệm thành công trên đàn lợn, Dabaco đã chuyển 4 lô lợn thí nghiệm thực hiện công cường độc tại Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương để xác định hiệu lực của vaccine. Với kết quả đạt được từ thí nghiệm tại Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương, Dabaco càng có cơ sở để tự tin sớm sản xuất thành công vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi, góp phần vực dậy ngành chăn nuôi trong nước đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh này.
Quá trình nghiên cứu, sản xuất vaccine ASF cần tăng tốc để theo kịp diễn biến thị trường
Vào những tháng cuối năm, diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi tại nhiều địa phương đang khiến các cơ quan quản lý nhà nước lo ngại về tình trạng thiếu nguồn cung thịt lợn trong dịp tết Nguyên đán. Theo thông tin từ Cục Thú y, hiện có 901 xã của 43 tỉnh, thành phố có bệnh dịch tả lợn Châu Phi chưa qua 21 ngày. Số lợn buộc phải tiêu hủy ước tính trên 231.000 con, tổng số trọng lượng lợn tiêu hủy khoảng trên 10.000 tấn, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Trong thời gian tới, nguy cơ dịch tái phát là rất cao bởi virus gây bệnh ASF có khả năng tồn tại ngoài môi trường, dễ xâm nhập vào nguồn nước, thức ăn chăn nuôi… Trong khi đó vaccine phòng dịch vẫn đang ở giai đoạn thử nghiệm cuối, chưa có trên thị trường nên biện pháp tốt nhất vẫn là chăn nuôi an toàn sinh học. Để ngăn chặn dịch bùng phát mạnh, Bộ NNPTNT đã có văn bản gửi UBND các tỉnh đang xảy ra dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi trên diện rộng, yêu cầu các địa phương phải tập trung khẩn trương kiểm soát, ngăn chặn các ổ dịch tái phát, không để dịch bệnh dây dưa kéo dài, đồng thời phải khắc phục những khó khăn, tồn tại, bất cập trong việc phòng, chống dịch.
Tuy nhiên, giải pháp để "xóa sổ" dịch tả lợn châu Phi về lâu dài vẫn là vaccine. Theo ông Nikolaus Osterrieder - Giáo sư dịch tễ học chuyên ngành thú y (Đại học Hongkong) cho biết, hiện thế giới đang có nhiều tổ chức nghiên cứu về vaccine tả lợn châu Phi nhưng sự phức tạp của chủng virus này chính là lý do khiến cho mục tiêu khó đạt được. Việc nghiên cứu, sản xuất thành công vaccine ASF hữu hiệu không chỉ có lợi cho doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn, những hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ mà còn giúp hạn chế sự đứt gãy chuỗi cung ứng, từ đó ổn định thị trường thịt lợn.
Do đó, khi Tập đoàn Dabaco tiếp tục công bố thử nghiệm vaccine giai đoạn 3 thành công đã mang đến tín hiệu lạc quan cho ngành chăn nuôi trong nước. Đồng thời đây cũng được xem là bước tạo đà vững chắc giúp Dabaco hiện thực hóa chiến lược vươn ra thị trường quốc tế trong thời gian tới.