1. Đánh giá sơ bộ tình hình SXKD 2021, các nhiệm vụ trọng tâm cuối năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ SXKD 2022
Đánh giá sơ bộ tình hình SXKD năm 2021 cho thấy, cũng giống như các doanh nghiệp khác phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ các làn sóng dịch Covid-19 liên tục bùng phát và lan rộng, đặc biệt là các doanh nghiệp nông nghiệp phải đối mặt với khó khăn kép về dịch bệnh trên cả người và vật nuôi. Tuy nhiên, với hệ sinh thái khép kín, Dabaco đã khắc phục khó khăn, tổ chức SXKD toàn bộ chuỗi cung ứng - sản xuất – chế biến – tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, với quyết tâm cao nhất hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch SXKD năm 2021.
Năm 2022 được dự báo còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, do vậy, Ban lãnh đạo Tập đoàn chỉ đạo các đơn vị tập trung rà soát, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch SXKD năm 2021, làm rõ những việc chưa làm được, nguyên nhân và giải pháp hữu hiệu, xây dựng kế hoạch năm 2022 mang tính đột phá, trong đó tập trung vào một số nội dung chính sau:
- Kiên định mục tiêu chiến lược phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực cốt lõi, ứng dụng công nghệ cao theo mô hình 3F, đồng thời TẬN DỤNG TỐI ĐA các cơ hội trong thách thức để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, từ đó xây dựng các nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp cụ thể, hiệu quả để đạt được các mục tiêu chiến lược.
- Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án trong lĩnh vực cốt lõi, quyết tâm đạt mục tiêu 1 triệu con lợn thịt thường xuyên trong thời gian sớm nhất; giữ vững vị trí thương hiệu giống gà màu số 1 tại Việt Nam và phát triển các dòng sản phẩm thực phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao như trứng gà vỏ xanh, trứng gà ăn liền Devi, dầu đậu nành cao cấp COBA, UMI…
- Rà soát, thực hiện nghiêm túc các qui trình chăn nuôi An toàn sinh học, qui trình vắc xin và vệ sinh phòng dịch, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đàn gia súc, gia cầm.
- Tăng cường phát triển hệ thống thị trường Con giống – Thức ăn chăn nuôi trên cơ sở khai thác hiệu quả chuỗi sản xuất khép kín 3F, nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm và thương hiệu của Tập đoàn trên thị trường.
- Các đơn vị, các ban chuyên môn triển khai ứng dụng công nghệ số, chiến lược đa kênh trong tiếp cận sản phẩm và tiêu dùng hàng hoá. Việc số hoá và việc quảng cáo, tiếp thị cần rõ ràng, cụ thể, ngắn gọn, thực chất và đúng thực tế.
2. Đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, tiêm trên diện rộng vắc xin phòng dịch tả lợn Châu phi trên đàn lợn của Tập đoàn với quyết tâm cao nhất sớm sản xuất thương mại vaccine tả lợn Châu Phi
Dịch tả lợn Châu Phi đã, đang và tiếp tục hoành hành, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành chăn nuôi. Đại diện Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, hiện có 901 xã của 43 tỉnh, thành phố có dịch tả lợn châu Phi (ASF) chưa qua 21 ngày. Hiện đã có trên 231.000 con lợn bị buộc phải tiêu hủy với trọng lượng lợn tiêu hủy trên 10.000 tấn, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2020, chiếm khoảng 0,8% tổng đàn. Việc đảm bảo nguồn cung thịt lợn cho thị trường trong nước, đồng thời đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu vắc xin Tả lợn Châu Phi là thách thức lớn đối với toàn ngành chăn nuôi trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến khó lường vào những tháng cuối năm - thời điểm tiêu thụ thịt lợn lớn nhất trong năm...
Hiện tại, các giai đoạn nghiên cứu sản xuất vắc xin dịch tả lợn Châu Phi đang được các nhà khoa học của Dabaco thúc đẩy với tinh thần và tốc độ khẩn trương nhất, bất kể ngày đêm. Các tín hiệu tốt về tính sinh miễn dịch của sinh phẩm vắc xin ASF thử nghiệm thông qua việc lấy máu, kiểm tra kháng thể ở các thời điểm 7, 14, 21 ngày sau tiêm. Sau 7 ngày tiêm đã có những cá thể lợn đầu tiên có kháng thể, đến ngày thứ 14 đạt tỉ lệ 70%, đến ngày thứ 21 số lợn có kháng thể đạt 80% và tỷ lệ lợn có kháng thể tăng dần theo thời gian, không phát hiện thấy sự bài thải virus ra bên ngoài qua hệ thống các lỗ tự nhiên. Các thử nghiệm hiện tại được đánh giá là an toàn với đàn lợn thí nghiệm, lợn không có triệu chứng bất thường sau thời gian 7, 14, 21 ngày tiêm. Do đó bước đầu có thể nhận định, đây có thể sẽ là một sinh phẩm vaccine an toàn, hiệu quả để phòng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trong tương lai gần.
Để chủ động tổ chức kiểm soát tốt, không để dịch bệnh xảy ra trên diện rộng, giảm thiểu tổn thất về kinh tế, hạn chế tối đa rủi ro, Dabaco yêu cầu các đơn vị thành viên trong Tập đoàn có liên quan bố trí các nguồn lực, khẩn trương rà soát, đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, thử nghiệm, mở rộng quy mô tiêm vắc xin tả lợn Châu Phi do Tập đoàn sản xuất, tiêm phòng bổ sung vắc xin phòng các bệnh bảo đảm số lượng được nhiều nhất.
Việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin xóa sổ dịch tả lợn châu Phi đặt ra nhiều thách thức lớn cho Tập đoàn Dabaco Việt Nam. Tuy nhiên tập đoàn Dabaco Việt Nam xem đây là cơ hội để bước chân ra thị trường quốc tế, gia tăng giá trị cho thương hiệu. Chính vì vậy Dabaco đang tập trung cao độ, khẩn trương phối hợp cùng các đơn vị chức năng liên quan triển khai tiến hành xác định khả năng bảo hộ, độ dài miễn dịch, nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất và thương mại hóa vắc xin dịch tả lợn Châu Phi trong thời gian sớm nhất.