Tại buổi làm việc, Ông Nguyễn Như So - Chủ tịch HĐQT tập đoàn Dabaco Việt Nam đã báo cáo một số kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh nổi bật từ đầu năm 2021 đến nay, công tác triển khai và nghiên cứu vắc-xin Dịch tả lợn Châu Phi của Tập đoàn Dabaco Việt Nam, và công tác bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân trong mọi tình huống của dịch bệnh Covid19.
Chủ tịch HĐQT Nguyễn Như So cho biết, nhằm ứng phó với dịch tả lợn Châu Phi đang diễn biến phức tạp, được sự quan tâm của Bộ, Cục thú y và các đơn vị chức năng trực thuộc Bộ, cộng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của Tập đoàn và sự phối hợp chuyển giao sinh phẩm từ Trung tâm nghiên cứu bệnh động vật ngoại lai, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, việc nghiên cứu sản xuất vắc xin dịch tả lợn Châu Phi đang được triển khai đúng tiến độ theo tinh thần khẩn trương nhất, đáp ứng yêu cầu khoa học, bảo đảm chất lượng, an toàn, hiệu quả và tuân thủ đúng theo quy định, bước đầu đạt được những kết quả rất khả quan. Tập đoàn vẫn đang tích cực đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, thử nghiệm và hoàn tất những công việc cần thiết, phấn đấu đến tháng 12/2021 có thể công bố kết quả dự án. Thành công của Dự án này chính là bước đột phá trong điều chế vắc-xin, nâng cao vị thế, uy tín của ngành chăn nuôi Việt Nam bởi đến nay, trên thế giới chưa có nước nào nghiên cứu và sản xuất thành công vắc-xin dịch tả lợn Châu Phi.
Phòng thí nghiệm vắc-xin tả lợn Châu Phi của Tập đoàn Dabaco Việt Nam được trang bị hệ thống máy móc và công nghệ hàng đầu từ các nước tiên tiến như: Hệ thống buồng cấy an toàn sinh học cấp độ 2 (BSC2) được nhập khẩu từ Mĩ của hãng Thermo; Hệ thống các tủ lạnh âm sâu (-20 độ C, - 80 độ C), Các bình Nitơ lỏng bảo quản vi rút giống vắc xin, tế bào dòng thường trực được nhập khẩu từ Ý và Nhật Bản; Hệ thống tủ ấm thường và Tủ ấm CO2 nhập khẩu từ Đức; Hệ thống bơm nhu động chia liều và hệ thống máy đông khô Vắc xin nhập khẩu từ Anh. Hệ thống Kính hiển vi soi ngược được gắn với máy tính và phần mềm chuyên dụng nhập khẩu từ Nhật Bản. Việc sớm đưa vắc-xin phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi vào sản xuất và thương mại hóa có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng của nước ta.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao những kết quả mà doanh nghiệp đã đạt được, đồng thời nhấn mạnh: Tập đoàn Dabaco Việt Nam là một trong những đơn vị tiên phong trong việc thực hiện những định hướng chiến lược ngành Nông nghiệp công nghệ cao. Bộ NN &PTNT sẽ tích cực ủng hộ, tạo điều kiện, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc về pháp lý, cơ chế, chính sách trên tinh thần bám sát thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vắc-xin của Tập đoàn Dabaco Việt Nam.
Đoàn công tác cũng đã đến thăm quan Nhà máy chế biến dầu thực vật Dabaco - mô hình Nhà máy khép kín đầu tiên tại Việt Nam sử dụng công nghệ Nano trong khâu tinh luyện và công nghệ Zero Effluence trong khâu chiết xuất là các công nghệ mới nhất và độc quyền của hãng Desmet – Bỉ, đảm bảo các tiêu chí phát triển bền vững: tối ưu hóa chất lượng sản phẩm và thân thiện với môi trường, vì mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Thứ trưởng đánh giá cao sức bật mạnh mẽ, tầm nhìn xa và đúng hướng của doanh nghiệp trải qua 25 năm phát triển trở thành một tập đoàn lớn với gần 60 đơn vị thành viên, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu tại nhiều thị trường thông qua nắm bắt xu thế tất yếu là các sản phẩm sạch, sản phẩm thân thiện với môi trường.
Hiện tại, Dabaco tham gia vào nhiều mắt xích trong ngành Nông nghiệp. Việc ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất và chăn nuôi của Dabaco Group đã thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn..
Tại buổi làm việc Chủ tịch HĐQT Nguyễn Như So cũng khẳng định: Với tính chất đặc thù là ngành cung cấp các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu cho toàn xã hội, trong mọi hoàn cảnh và diễn biến dịch Covid-19 hết sức phức tạp Tập đoàn Dabaco Việt Nam vẫn tập trung duy trì sản xuất kinh doanh, ổn định trong điều kiện đã kích hoạt và đáp ứng các yêu cầu về phòng chống dịch, chủ động được nguồn cung và nguồn dự trữ thực phẩm, đảm bảo cung ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu cho người dân trong mọi tình huống của dịch bệnh.