Phát triển ngành Chăn nuôi theo chuỗi liên kết hiện đại, chuyên nghiệp và gắn với thị trường

12:00 | 15/06/2018

(Phát biểu thảo luận của đại biểu Quốc Hội Nguyễn Như So về dự án Luật Chăn nuôi).

Ngành chăn nuôi là một bộ phận quan trọng cấu thành nền nông nghiệp và giữ vai trò đóng góp tích cực trong tăng trưởng kinh tế nông nghiệp Việt Nam. Những năm qua, Ngành chăn nuôi có sự phát triển khá nhanh, thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài xây dựng các sở chăn nuôi quy mô lớn. 

Văn bản pháp luật cao nhất liên quan đến Ngành chăn nuôi là Pháp lệnh giống vật nuôi được ban hành cách đây 14 năm. Sự ra đời của Luật Chăn nuôi sẽ tạo ra hành lang pháp lý, khắc phục khó khăn, từ đó thúc đẩy sự phát triển ngành chăn nuôi của nước ta thời gian tới. 


Trang trại nuôi gà đẻ trứng của tập đoàn DABACO

Phát triển ngành chăn nuôi theo hướng sản xuất hiện đại, hình thành các chuỗi liên kết chặt chẽ, chú trọng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường là rất cần thiết. Nguyên tắc hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi;  chính sách của Nhà nước; nghiên cứu, phân định rõ các hoạt động mà Nhà nước đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích...là những nội dung căn bản của dự thảo Luật Chăn nuôi được các đại biểu tập trung thảo luận tại Kỳ họp thứ 5- Quốc hội khóa XIV cũng như Doanh nghiệp chăn nuôi và người dân quan tâm. Việc ra đời Luật Chăn nuôi không chỉ đáp ứng sự mong đợi của các cơ quan quản lý và người chăn nuôi với hành lang pháp lý khá đầy đủ, mà còn là cơ sở để tổ chức, phát triển ngành chăn nuôi theo chuỗi liên kết hiện đại, chuyên nghiệp và gắn với thị trường.

Tuy nhiên, một số quy định cụ thể trong Dự thảo luật hiện vẫn như đang làm khó người chăn nuôi, đây sẽ là “lực cản” cho phát triển ngành nếu không có những giải pháp cụ thể và đồng bộ. Chính vì vậy, trong dự thảo Luật cần phân tích, làm rõ một số nội dung có “tác động trực tiếp” đến doanh nghiệp cũng như người chăn nuôi.

Trước hết, về “Khoảng cách xây dựng cơ sở chăn nuôi” liên quan đến 2 nhóm đối tượng là: Cơ sở chăn nuôi mới và Cơ sở chăn nuôi ra đời trước khi Luật có hiệu lực.

Đối với cơ sở chăn nuôi mới: Điểm a Khoản 2 Điều 44 qui định: “Cơ sở chăn nuôi mới phải cách xa chợ, trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí, công sở, cơ sở giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi, trang trại chăn nuôi khác, nhà máy, khu công nghiệp, điểm dân cư nông thôn, đường giao thông chính liên xã, huyện, tỉnh, khu vực gây ô nhiễm theo quy định của pháp luật, nguồn nước sinh hoạt”.

Như vậy, phạm vi về “Khoảng cách” tại Dự thảo Luật đã mở rộng hơn rất nhiều so với Nghị định số 66 ngày 01/7/2016, theo đó, các cơ sở chăn nuôi sẽ phải cách xa gần như tất cả các địa điểm khác. Tuy nhiên, với thực trạng sử dụng đất, quỹ đất có hạn và xen kẹp hiện nay thì qui định này có khả thi và việc sử dụng đất có hiệu quả không vẫn còn là câu hỏi lớn?


Hệ thống chuồng chăn nuôi lợn của Tập đoàn DABACO luôn bảo đảm các tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường.

Chú trọng đảm bảo môi trường trong chăn nuôi là vô cùng quan trọng và cần thiết song làm thế nào để vừa đảm bảo môi trường, vừa thực hiện được mục tiêu phát triển ngành chăn nuôi cung cấp “sản phẩm chủ lực quốc gia” trên một nền sản xuất lạc hậu, nhỏ lẻ, manh mún và tự phát? đang là một câu hỏi chưa có lời giải. Dự thảo Luật chỉ qui định chung chung phải “cách xa” và giao cho Bộ trưởng Bộ nông nghiệp & PTNT qui định chi tiết về khoảng cách, mật độ chăn nuôi. Song cách xa bao nhiêu? Cơ sở để xác định khoảng cách? thì lại thiếu căn cứ pháp lý. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung điều kiện, nguyên tắc xác định vị trí đối với từng trường hợp cụ thể để đảm bảo tính khả khi và phù hợp với điều kiện thực tiễn theo vùng, miền. Bên cạnh đó, cần xem xét đến trình độ công nghệ của các trang trại, vì rõ ràng công nghệ cao xử lý chất thải chăn nuôi triệt để sẽ giảm thiểu tác động đến môi trường rất nhiều so với chăn nuôi truyền thống.

Đối với cơ sở chăn nuôi xây dựng và hoạt động trước khi Luật có hiệu lực. Khoản 2 Điều 63 Dự thảo Luật qui định, trong thời gian 5 năm, các trang trại phải giảm quy mô chăn nuôi, di dời đến địa điểm mới phù hợp. Qui định này gây khó cho các trang trại sản xuất giống vì chi phí đầu tư lớn, thời gian đầu tư dài. Đơn cử qui trình đầu tư một trại heo giống bố mẹ của Tập đoàn DABACO Việt Nam qui mô 2.000 con, mức đầu tư khoảng 200 tỷ đồng (nếu trại giống gốc thì chi phí tăng thêm 30%), thời gian xây dựng từ 18-24 tháng, sau đó đưa vào nuôi hậu bị 6 tháng. Tính đến khi vào đủ qui mô đàn mất 2 năm rưỡi và phải từ 2-3 năm tiếp theo mới bắt đầu có lãi, nếu thị trường ổn định. 

Nên chăng, Dự thảo Luật tách riêng từng đối tượng, theo đó, thời hạn 5 năm áp dụng cho các trang trại nuôi thương phẩm. Còn các trang trại giống áp dụng theo lộ trình: 5 năm giảm qui mô đàn và 7 năm di chuyển đến địa điểm phù hợp; thậm chí, cần có cách nhìn mới về công nghệ xử lý, chăn nuôi kín, vì nó ít tác động đến môi trường. Như vậy, các trang trại có thời gian để chuẩn bị, đồng thời tránh gây thiệt hại và lãng phí các nguồn lực.

Song song đó, Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ cụ thể đối với các trang trại phải di chuyển như: tìm kiếm địa điểm phù hợp; hỗ trợ kinh phí giảm đàn, di chuyển nhằm giảm bớt thiệt hại cho người chăn nuôi và ổn định ngành chăn nuôi tránh bị tác động từ các qui định “cứng” của Luật.

Nước thải cũng là một dạng tài nguyên. Nước thải chăn nuôi khác với nước thải công nghiệp, nếu không có giải pháp tận dụng tái sử dụng sẽ rất lãng phí nguồn tài nguyên dinh dưỡng hữu cơ cho cây trồng. Quy trình xử lý và tái sử dụng nguồn nước thải cũng như các phụ phẩm từ chăn nuôi ở tất cả các trang trại của Tập đoàn DABACO Việt Nam được khép kín và tận dụng tối đa, tuyệt đối không xả thải ra môi trường xung quanh.

Việc quy định quản lý nước thải chăn nuôi tại Khoản 5 Điều 45 Dự thảo Luật cũng đặt ra thách thức lớn đối với các trang trại.  Chúng ta hiện đang áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi (Quy chuẩn 62), Quy chuẩn chất lượng nước mặt (Quy chuẩn 08), các quy chuẩn này quá cao so với khả năng thực tế ứng dụng công nghệ xử lý môi trường hiện nay, dẫn đến các trang trại rơi vào tình trạng “phạm luật”. Nên chăng, cần tham khảo các nước EU nhằm tận dụng tối đa nguồn phân bón hữu cơ để tăng độ phì, cải tạo đất và tăng chất lượng nông sản theo hướng sản xuất hữu cơ, 90% chất thải chăn nuôi chưa qua xử lý (kèm theo nước thải) được tưới/ bơm trực tiếp làm phân bón cho cây trồng.

Do vậy, trong dự thảo Luật cần nghiên cứu, điều chỉnh quy định về xả thải phù hợp với điều kiện thực tế các trang trại tại Việt Nam; có chính sách thúc đẩy tận dụng nguồn chất thải chăn nuôi như một nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón hữu cơ, giảm bớt chi phí chăn nuôi, vừa thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp vừa đảm bảo môi trường.

Dự thảo Luật cấm chăn nuôi trong nội thành, nội thị; chăn nuôi trang trại trong khu dân cư (khoản 1 Điều 7) song lại không giải thích khái niệm “nội thành”, “nội thị”, “khu dân cư” cũng chưa có văn bản nào giải thích các cụm từ này nên sẽ gây khó khăn khi triển khai thực hiện Luật. Ví dụ: xã thuộc thành phố, thị xã có phải là nội thành, nội thị hay không? Khu dân cư ở miền núi khác với đồng bằng, các hộ có thể cách nhau hàng km thì có được phép chăn nuôi trang trại không? Trong khi đó, Điểm a Khoản 4 Điều 38 giao quyền cho HĐND cấp tỉnh: Quy định chi tiết các khu vực thuộc nội thành, nội thị; các khu đông dân cư không được chăn nuôi trang trại. Đề nghị nghiên cứu lại các qui định này để đảm bảo tính thống nhất và bổ sung giải thích đối với các cụm từ trên để thuận tiện cho việc áp dụng Luật.

Việc đăng ký, kê khai chăn nuôi (Điều 40) là cần thiết, giúp cho công tác quản lý và hoạch định chính sách phát triển ngành. Tuy nhiên, cần nghiên cứu bổ sung quy định hình thức đăng ký, kê khai phù hợp với từng loại hình, khu vực, đối tượng vật nuôi để đảm bảo tính khả thi. Ví dụ: các hộ nông dân ở khu vực miền Tây nuôi vịt chạy đồng, không cố định thì kê khai, đăng ký ở đâu? Hay như nuôi con ong, con tằm thì đăng ký số lượng thế nào? Việc đăng ký, kê khai đối với chăn nuôi nhỏ lẻ cũng gặp nhiều khó khăn do thường xuyên thay đổi; trong khi Luật lại quy định bắt buộc kê khai mỗi năm 1 lần; nếu tháng này nuôi, vài tháng sau bỏ thì câu chuyện đăng ký, kê khai có còn ý nghĩa hay không? Ngoài ra, cần có cơ chế trách nhiệm ràng buộc người chăn nuôi thực hiện đúng nghĩa vụ khai báo của mình trước pháp luật.


Gà chín cựa- sản phẩm độc quyền do Tập đoàn DABACO nghiên cứu chăn nuôi, được khách hàng đánh giá cao về chất lượng sản phẩm.

Tác giả:  Nguyễn Như So  

Chủ tịch Tập đoàn DABACO Việt Nam

Các tin khác

   
Xem tin theo
   
 
Trang chủ|
Giới thiệu|
Tuyển dụng|
Câu hỏi thường gặp
   
CÔNG TY CỔ PHẦN TẬP ĐOÀN DABACO VIỆT NAM
Địa chỉ : Số 35 - Đường Lý Thái Tổ  - Thành Phố Bắc Ninh - Tỉnh Bắc Ninh
Điện thoại : (0222) 3826077 - 3895111. Fax : (0222) 3826095 - 3825496
Email : contact@dabaco.com.vn. Website: http://www.dabaco.com.vn
@2012 Bản quyền thuộc về Dabaco.com.vn. Ghi rõ nguồn dabaco.com.vn khi phát hành lại thông tin từ Website này

Số thành viên online  84      

Số lượt truy cập  24.794.075    

Thiết kế web:FINALSTYLE