Theo văn bản này, 14 ngân hàng thương mại được chấp thuận thực hiện việc cho vay bao gồm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long, Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội, Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương, Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông, Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội, Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt, Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á và Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh .
Các ngân hàng thương mại nêu trên thực hiện cân đối nguồn vốn để cho vay mua tạm trữ thóc, gạo đối với các thương nhân được Hiệp hội Lương thực Việt Nam phân giao chỉ tiêu mua số thóc gạo tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo trong vụ Hè Thu năm 2013 ở Đồng bằng sông Cửu Long theo tỷ lệ quy đổi thóc-gạo là 2:1.
Việc cho vay được thực hiện theo quy định hiện hành về cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng.
Các ngân hàng thương mại cho các thương nhân vay mua tạm trữ thóc, gạo với mức lãi suất cho vay tối đa là 10%/năm. Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay trong thời gian mua thóc, gạo tạm trữ.
Thời hạn mua tạm trữ từ ngày 15/6/2013 đến hết ngày 31/7/2013. Thời gian tạm trữ được hỗ trợ lãi suất tối đa là ba tháng, kể từ ngày 15/6/2013 đến ngày 15/9/2013./.
Thu Hằng
VIETNAM+