Quầy bán thịt ở Chợ Hôm, Hà Nội
Bà Thanh, 63 tuổi, cho biết "Trước đây giá thực phẩm thường xuyên tăng. Hiện nay, ngay cả khi đồng lương và giá gas tăng, giá thực phẩm ở chợ cũng không tăng hoặc tăng rất ít."
Tốc độ tăng của giá thực phẩm đã chậm lại sau khi Ấn Độ và Mỹ có một vụ mùa bội thu, làm tăng nguồn cung về ngô, đậu tương, lúa mì, đường và cà phê. Điều này khiến cho nhiều nông sản rơi vào thị trường giá xuống.
Một quầy bán hoa quả ở Chợ Hôm
Chỉ số Standard & Poor’s GSCI Agriculture Index bao gồm 8 loại hàng hóa nông sản cơ bản đã giảm 22% trong năm 2013, đây mức giảm theo năm cao nhất kể từ 1981. Morgan Stanley và Rabobank International hạ mức dự báo giá cả của các loại hàng nông sản.
Theo ước tính của Liên hợp Quốc, nhập khẩu lương thực toàn cầu giảm 3,2% trong năm 2013 xuống 1,15 nghìn tỷ USD. Chi phí thực phẩm toàn cầu giảm 13% từ mức cao nhất mọi thời đại được xác lập vào 2/2011, thời điểm lũ lụt và hạn hán khiến cho mùa màng thất bát làm bùng phát các cuộc biểu tình chống chính phủ ở châu Phi và Trung Đông.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF dự báo giá thực phẩm sẽ giảm 6% trong năm 2014. Ở Việt Nam, nơi người dân dành 1/3 thu nhập cho thực phẩm, tốc độ tăng giá thực phẩm đã giảm xuống còn 5,1%/năm trong 12/2013 từ mức 34,1% trong 8/2011.
Giá nông sản giảm giúp cho nguồn cung thịt gia cầm, gia súc và thịt lợn tăng. Sản lượng thịt lợn của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2013 ở mức 3,3 triệu tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước.