Đây là trường hợp ở Ghana, một đất nước mà gạo nhập khẩu đang phải chịu mức thuế 20% cộng thêm một khoản thuế 17,5% gồm VAT và các loại phí khác.
Trên thực tế, giá gạo nhập khẩu có thể rất khác nhau thậm chí giữa các nước láng giềng. Lấy Tây Phi làm ví dụ. Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), tại Senegal, giá bán lẻ gạo vào khoảng 0,94 USD/kg (đã bao gồm 11% thuế), trong khi tại nước láng giềng Togo giá lại là 1,15 USD và Ghana là 1,67 USD.
Thuế suất của các nước thường thay đổi thất thường và có thể trở nên tiêu cực nếu được thay thế bằng hình thức trợ giá nhập khẩu.
Rất nhiều nước đã thực hiện việc này vào năm 2008 khi giá gạo thế giới tăng 3 lần trong vòng một năm.
Sau đó, các nước này lại tái áp thuế đối với lúa gạo khi giá gạo thế giới giảm. Tuy nhiên, nếu mục đích là giữ giá gạo ở mức thấp thì tại sao các nước này lại ngay lập tức áp thuế đối với gạo sau cuộc khủng hoảng?
Bảo hộ nông dân trồng lúa trong nước dường như là câu trả lời rõ ràng nhất. Tuy nhiên, cần nhớ rằng nhiều nước nhập khẩu gạo thường là những quốc gia rất nghèo và thuế đóng góp đáng kể vào nguồn thu của chính phủ.
Một yếu tố thậm chí còn quan trọng hơn việc tạo ra nguồn thu ngân sách là chính phủ có thể sử dụng các loại thuế như một công cụ chính trị để ổn định giá cả trong nước.
Khi giá gạo thế giới ở mức thấp như đã xảy ra trong những năm 1990 và đầu những năm 2000, thuế suất có thể được nâng lên để làm hài lòng ngành lúa gạo trong nước cũng như tạo ra nguồn thu từ thuế. Nhưng khi giá gạo quốc tế ở mức cao, thuế suất có thể được hạ xuống hoặc được thay bằng hình thức trợ giá nếu giá trong nước bắt đầu gây bất ổn chính trị hoặc bất ổn xã hội.
Như vậy, thuế suất mang lại cho chính phủ công cụ để thiết lập giá trong nước và có thể được sử dụng cho các mục đích chính trị. Chẳng hạn, Indonesia đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử quốc gia và việc giữ giá gạo ổn định sẽ là mục tiêu trọng tâm của chính phủ hiện thời.