Lợn nội “vượt biên”
Còn nhớ, vào thời điểm này năm ngoái, người chăn nuôi cả nước nói chung và người nuôi lợn miền Bắc nói riêng như ngồi trên lửa, bởi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, trong khi giá lợn hơi gần như chạm đáy, chỉ đạt 36.000 – 38.000 đồng/kg.
Theo tính toán của bà con, cứ nuôi 100kg lợn hơi lỗ 500.000 – 800.000 đồng, do đó càng nuôi nhiều càng lỗ. Sau lứa lợn lỗ “chổng vó”, hầu hết các hộ chăn nuôi đều giảm đàn. Nhưng sang năm nay, phần vì ít dịch bệnh, giá thức ăn chăn nuôi từng bước được kiểm soát nên giá lợn, gà luôn giữ mức ổn định. Đáng chú ý là giá lợn hơi hiện đã tăng từ 10.000 – 12.000 đồng/kg so với trước, nên bà con rất phấn khởi.
Có mặt tại chợ lợn lớn nhất miền Bắc là An Nội (Bình Lục, Hà Nam), chúng tôi tận mắt thấy người mua, kẻ bán tấp nập, xe ô tô liên tục ra vào chở lợn, ai ai cũng phấn khởi. Anh Nguyễn Văn Thắng- chuyên gom lợn cho các thương lái ở Hà Nội, Hải Phòng cho biết: “Làm nghề này người chăn nuôi có lãi thì mình mới có ăn. Như tháng trước, mỗi ngày tôi chỉ gom 30 – 40 con lợn (tương đương 2,8 – 3,8 tấn hơi) mà trầy trật mãi mới bán hết. Còn hơn tuần nay, ngày nào tôi cũng gom hơn 100 con, thoáng cái họ đã chở đi hết”.
Theo anh Thắng, nguyên nhân lợn tiêu thụ mạnh, giá cao là do bắt mối được với thương lái Trung Quốc. Tuy nhiên, họ chỉ thích mua loại lợn từ 90kg trở lên và càng mỡ càng tốt.
Anh Lê Văn Tám - thương lái chuyên đưa lợn xuất đi Trung Quốc cho biết, dịp cuối năm Trung Quốc thường tiêu thụ rất nhiều thịt lợn. “Hơn tuần nay, mỗi ngày tôi xuất đi Trung Quốc khoảng 100 – 120 con, tương đương trên 10 tấn lợn hơi. Theo thương lái, phía Trung Quốc sẽ mở cửa nhập lợn từ nay cho đến Tết Nguyên đán” - anh Tám nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Tống Đức Du – Trưởng phòng NNPTNT huyện Bình Lục (Hà Nam) cho biết: “Hiện trên địa bàn có khoảng 450.000 – 500.000 con lợn, chiếm gần nửa đàn lợn của tỉnh. Giá lợn bắt đầu tăng từ nửa tháng nay, nhưng tăng mạnh thì khoảng 1 tuần nay. Theo tôi được biết, nguyên nhân giá lợn hơi tăng là do được xuất đi Trung Quốc, hơn nữa việc tiêu thụ trong nước cũng đang có nhiều thuận lợi”.
Cần nắm rõ thị trường
Ngoài việc nông dân Hà Nam được lợi bởi giá lớn hơn tăng, theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều hộ nuôi lợn ở Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương… cũng đang rất phấn khởi vì lợn hơn tăng giá. Anh Lê Văn Thắng ở thôn 8, xã Dương Liễu (Hoài Đức, Hà Nội) nói: Hàng ngày tôi đi xin thức ăn thừa ở các nhà hàng về cho lợn ăn, lại có thêm bã rượu nên con nào cũng hồng hào, thịt đỏ, thương lái rất thích. Vừa qua tôi xuất bán 20 con, trọng lượng gần 2 tấn, với giá 51.500 đồng/kg, tính ra lãi gần 1,5 triệu đồng/con.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Vóc, xã 8, xã Nhân Chính (Lý Nhân, Hà Nam) lại tỏ ra cảnh giác: “Cứ được giá như hiện nay thì chẳng mấy chốc người nuôi lợn khấm khá. Nhưng tôi vẫn lo, thương lái Trung Quốc hay mua bán thất thường lắm, nếu không tỉnh táo nghe ngóng thị trường, bà con rất dễ mắc bẫy”.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nam cho biết đã có văn bản khuyến cáo người dân không vì lợi ích trước mắt mà chuyển sang nuôi lợn mỡ, đồng thời hạn chế để lợn quá 100kg/con. “Bởi nếu Trung Quốc ngừng nhập, thị trường trong nước lại không thích lợn mỡ, trọng lượng lớn, người nuôi rất dễ bị ép giá” – ông Hùng lý giải.
Ông này còn cho biết thêm nhờ áp dụng chính sách khuyến nông nên đàn lợn của tỉnh vẫn giữ ổn định từ 1 – 1,2 triệu con, trong đó Bình Lục là nơi nuôi nhiều nhất, có hộ nuôi tới 1.000 con, còn những hộ nuôi từ 300 – 500 con đếm không xuể.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho rằng: Lâu nay chúng ta chưa bao giờ nắm được thế chủ động đối với thị trường Trung Quốc, vì có lúc họ nhập, có lúc không, do vậy bà con đừng vì Trung Quốc tăng lượng nhập mà đổ xô vào nuôi lợn trong giai đoạn này.
Trên thực tế, mức giá mua lợn hơi hiện nay chưa phải là cao, năm 2011 có thời điểm giá lên tới trên 70.000 đồng/kg, nhưng do từ cuối năm 2012 đến nay bà con liên tục thua lỗ nên khi thấy thị trường tăng sức mua, nông dân lãi từ 10.000 – 12.000 đồng/kg thì ai cũng hào hứng, phấn khởi.
“Đây có thể xem là tín hiệu mừng, giúp nông dân gỡ gạc lại phần bị lỗ trong thời gian qua. Nhưng bà con cũng nên cảnh giác khi buôn bán với Trung Quốc vì thị trường Trung Quốc vốn không bền vững, thậm chí rất oái ăm, khi thì mua móng trâu, khi mua vịt, thậm chí mua cả đỉa, ốc bươu vàng… Họ nhập khẩu hàng hóa không theo một quy luật nào, có tháng mua ồ ạt, nhưng “đùng” một cái họ lại dừng.
Do đó, theo quan điểm của Cục Chăn nuôi, tốt nhất bà con cứ chăn nuôi bình thường. Người Trung Quốc khác người Việt Nam ở chỗ thích thịt lợn mỡ nhiều hơn, do đó nếu cứ chạy theo Trung Quốc thì khi họ đột ngột dừng thu mua, chắc chắn thịt lợn lại rơi vào cảnh ế ẩm”, ông Trọng chia sẻ.
Theo Việt Tùng- Thiên Hương
Dân Việt