Khi kết thúc đàm phán Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP), nông sản Việt Nam được cho là sẽ gặp nhiều bất lợi. Tuy nhiên, vẫn có những cơ hội tốt để đẩy mạnh XK đối với một số ngành hàng nông sản chủ lực như gạo, thủy sản
Gạo thuận đường vào châu Mỹ
Năm 2013, XK gạo Việt Nam sang châu Mỹ đạt 458 ngàn tấn. Nếu so với tổng lượng gạo XK cả năm 2013 là gần 6,7 triệu tấn thì con số trên hãy còn khiêm tốn và chỉ chiếm 6,85%. Nhưng nếu so với lượng gạo XK sang châu lục này trong năm 2012 thì là một sự nhảy vọt, khi đã tăng tới 43,38%.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), lượng gạo XK sang châu Mỹ tăng mạnh, chủ yếu nhờ sự gia tăng XK vào những nước ngoài Cuba như Mỹ, Haiti, Mexico và Chile. Trong đó, Mỹ, Mexico và Chile đang tham gia đàm phán TPP.
Còn thị trường Haiti, theo ông Phạm Văn Bảy, Phó chủ tịch VFA, tuy chưa phải là thị trường tập trung (có hợp đồng cấp Chính phủ), nhưng đã thực hiện XK như một thị trường tập trung, và trong năm qua, đã có khoảng 60 ngàn tấn gạo Việt Nam được XK vào nước này. Vì thế, theo nhận định của VFA, sau khi kết thúc đàm phán Hiệp định xuyên Thái Bình Dương, gạo Việt Nam có khả năng thâm nhập và phát triển mạnh ở khu vực châu Mỹ do giá cạnh tranh, nhất là với Mỹ.
XK gạo sang châu Mỹ sẽ thuận lợi hơn nhờ TPP
Bên cạnh đó, cơ hội XK gạo Việt Nam sang Nhật Bản cũng có thể sẽ được mở ra sau khi kết thúc đàm phán TPP. Hiện tại, Nhật Bản đang đánh thuế NK gạo rất cao, lên tới 778%. Thuế quá cao cộng với hàng rào kỹ thuật quá ngặt nghèo đang khiến cho gạo Việt Nam rất khó vào được thị trường Nhật Bản.
Trong cả năm 2013, chỉ có vài trăm tấn gạo Việt Nam XK được vào nước này. Tuy Nhật Bản vẫn đang kiên quyết giữ chính sách bảo hộ đối với ngành hàng gạo khi đàm phán TPP, nhưng một khi đã tham gia vào Hiệp định này, cơ hội cho gạo Việt Nam thâm nhập sâu và nhiều hơn vào thị trường Nhật Bản là không nhỏ. Chính vì thế, bên cạnh thị trường Mỹ, Nhật Bản cũng là một thị trường mà VFA đã đề nghị Chính phủ chuẩn bị các phương án tiếp cận sau khi kết thúc đàm phán TPP.
Không chỉ sẽ thuận lợi hơn về mặt thuế quan, khi kết thúc đàm phán TPP, gạo Việt Nam XK sang nhiều nước đang đàm phán Hiệp định này, còn có thể tránh được những rắc rối, khó khăn trong tương lai có thể đến từ hàng rào thuế quan. Hồi cuối năm 2013, các nhà sản xuất gạo Mexico đã đệ đơn lên Chính phủ Liên bang, yêu cầu áp thuế tới 20% đối với gạo NK từ Việt Nam.
Sở dĩ các nhà sản xuất gạo Mexico có động thái trên là vì giá gạo Việt Nam khá rẻ, chỉ 6,9 peso/kg, thấp hơn so với giá gạo sản xuất ở nước này. Lo ngại trước khả năng không thể cạnh tranh được với gạo NK từ Việt Nam và một số nước khác, các nhà sản xuất gạo Mexico đang dựa vào việc nước này và Việt Nam hiện chưa có hiệp định thương mại, để yêu cầu Chính phủ Liên bang đánh thuế cao đối với gạo Việt Nam.
Do đó, sau khi kết thúc đàm phán TPP, chắc chắn Chính phủ Mexico sẽ không thể đáp ứng yêu cầu nói trên của các nhà sản xuất gạo nước này, qua đó tránh cho gạo Việt Nam một nguy cơ không nhỏ ở thị trường tuy còn mới nhưng nhiều tiềm năng này.
Thủy sản tăng sức cạnh tranh ở Nhật
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam, trong số 12 nước đang đàm phán TPP, thì Mỹ, Nhật Bản đang là 2 trong 3 thị trường NK lớn nhất của thủy sản Việt Nam, chiếm 40% tổng kim ngạch XK thủy sản nước ta. Tuy nhiên, đối với 2 thị trường này, mức độ tác động từ TPP khác nhau.
Thị trường Mỹ hiện đang đứng đầu về giá trị NK thủy sản của Việt Nam với trên 1,5 tỷ USD trong năm 2013, chiếm 22,6%. XK thủy sản Việt Nam sang thị trường này không gặp khó khăn đáng kể liên quan đến thuế NK (ưu đãi chính đối với các nước thành viên TPP). Bởi phần lớn các dòng thuế quan hiện đang áp dụng đối với các sản phẩm thủy sản nhập khẩu đã tương đối thấp (thuế quan trung bình là 0,3% đối với các loại thủy sản sống; 4,7% đối với thủy sản chế biến), do đó TPP chỉ tháo gỡ phần nào áp lực từ thuế quan đối với DN XK thủy sản Việt Nam.
Trong khi đó, thuế quan đối với sản phẩm thủy sản Việt Nam NK vào thị trường Nhật Bản lại đang là một trở ngại lớn. Mặc dù Việt Nam đã ký kết FTA với quốc gia này, nhưng hiện tại, thủy sản Việt Nam vẫn đang chịu mức thuế NK vào Nhật Bản khá cao so với các nước khác. Ví dụ, thuế NK cá ngừ Việt Nam vào Nhật Bản ở mức 6,4 - 7,2%, trong khi thuế đối với cá ngừ của Philippines và Thái Lan là 0%. Vì vậy TPP sẽ là cơ hội để thủy sản Việt Nam lấy lại lợi thế cạnh tranh về giá khi XK sang thị trường này.
TPP cũng sẽ giúp cho các DN thủy sản thuận lợi hơn về nguồn nguyên liệu NK. Trong những năm gần đây, do tình hình nguyên liệu thủy sản trong nước không ổn định, đối với một số mặt hàng hải sản, các DN Việt Nam phải NK thêm nguyên liệu từ các nước để chế biến XK.
Tuy nhiên, các mức thuế suất tối huệ quốc (MFN) mà Việt Nam đang áp dụng với thủy sản nguyên liệu NK là tương đối cao (trung bình lên đến 15% đối với thủy sản sống và 30% đối với thủy sản chế biến). Vì thế, hiệp định TPP cũng sẽ mang lại một phần lợi ích đối với các doanh nghiệp cần NK thủy sản nguyên liệu để chế biến XK, nhất là nguồn nguyên liệu đến từ các nước TPP. Qua đó, sẽ tạo thuận lợi hơn cho các DN thủy sản sử dụng nguyên liệu NK để chế biến tái XK.