Theo ông Trương Thanh Phong, chủ tịch hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), mặc dù Việt Nam có rất nhiều bộ giống thơm nhưng không có bộ giống nào ổn định để làm thương hiệu lâu dài.
Ông Trương Thanh Phong nói: “Hiện nay, nhiều giống lúa chỉ 2-3 vụ là thoái hóa nên rất khó để làm thương hiệu. Do đó, cần phải có số lượng đảm bảo để cung cấp thường xuyên".
GS.TS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, cơ quan chịu trách nhiệm hàng đầu tạo ra giống lúa chất lượng cho rằng, nguyên nhân đầu tiên do chúng ta đầu tư quá ít cho các công tác nghiên cứu khoa học nông nghiệp.
Ông Bùi Chí Bửu đưa ra con số cụ thể: “Ngân sách khoa học cho cả Bộ Nông nghiệp chỉ có 600 tỷ/năm. Trong khi đó, nhiều chương trình nghiên cứu cần đến 50 triệu USD/năm hay 80 triệu USD/năm".
Ngoài ra vị giáo sư này còn khẳng định, do việc sản xuất lúa từ hộ nông dân còn nhỏ lẻ nên việc kiểm soát chất lượng hàng giống đầu vào và hạt gạo đầu ra rất khó khăn, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng gạo xuất khẩu.
Ông Bùi Chí Bửu cho biết thêm: “Phương thức thu mua, phân phối của chúng ta còn lạc hậu, thường thông qua thương lái nhỏ. Chúng ta không kiểm soát được việc trộn lẫn hạt giống hay các sản phẩm gạo khi qua thương lái. Do đó nếu kiểm soát kỹ chắc chắn chúng ta sẽ có thương hiệu”.
Hệ quả của việc không xây dựng được thương hiệu gạo bền vững là từ đầu năm đến nay, trong khi giá gạo Việt Nam đã và đang giảm mạnh thì ngược lại các thương hiệu gạo của các nước như Thái Lan, Ấn Độ vẫn xuất khẩu khá mạnh với giá lên đến 700-1.000 USD/tấn, cao hơn gấp đôi, gấp ba so với gạo Việt Nam.