Mua vào giá cao, bán ra không được
Khoảng một tuần trở lại đây, tại một số chợ trên địa bàn thành phố, dù cảnh mua sắm chuẩn bị cho tết Nguyên đán chưa sôi động nhưng giá cả một số thực phẩm khô đã tăng.
Chị LTY, tiểu thương hàng chạp phô (chợ Hoàng Hoa Thám), bức xúc vì giá bột ngọt tăng cao. Bột ngọt xá tăng 20.000 đồng/kg khiến giá một bao 25 kg lên đến gần 1 triệu đồng. Đã thế, lượng cung cũng không ổn định, không có hàng để bán.
Chị H., tiểu thương chợ Gò Vấp, cho biết giá một can dầu ăn loại 20 lít tăng thêm 20.000 đồng. Do đó, giá bán lẻ cũng tăng 1.000-1.500 đồng/kg.
Tại chợ đầu mối Bình Tây, nhiều mặt hàng tăng giá khá mạnh. Nấm đông cô tăng hơn 20.000 đồng/kg; nấm hương có chỗ giá lên đến 340.000-360.000 đồng/kg; tôm khô cũng tăng từ 550.000 đến gần 1 triệu đồng/kg tùy loại.
Các tiểu thương cho biết giá các mặt hàng như nấm đông cô tăng cao là do nguồn hàng từ Trung Quốc bị đứt, hụt hàng. Năm nào gần tết, nhu cầu cao thì giá lại tăng.
Trong khi đó, chủ cơ sở CT (chuyên sản xuất, mua bán các mặt hàng thủy sản) tại Cà Mau cho hay năm nay thời tiết lạnh nên lượng tôm không nhiều. Giá tôm nguyên liệu thời điểm này tăng khoảng 7.000 đồng/kg lên 45.000 đồng/kg. Do đó, giá tôm khô tăng khoảng 20.000 đồng/kg tùy loại. Dù giá tăng nhưng hiện cơ sở này không đủ hàng giao cho khách. DN C.T dự báo giá tôm khô sẽ tiếp tục tăng lên khoảng 30.000-40.000 đồng/kg từ nay đến khoảng ngày 27 tết.
Trong vai người mua các loại hạt về bán tết, chúng tôi hỏi mua hạt dẻ có giá 290.000 đồng/kg. Chủ quầy là chị N. nhận định: “Bây giờ mua thì có giá đó, chứ mai mốt gần tết có khi giá còn lên cao nữa”.
Tuy nhiên, đằng sau những dự báo “do nhu cầu sẽ tăng nên giá tăng”, các tiểu thương chợ bán lẻ lại than phiền “giá tăng nhưng người mua thì thưa thớt.”
Giá thực phẩm thiết yếu sẽ không tăng
Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Vissan, cho biết DN đã cam kết là giữ giá ổn định trước, trong và sau tết. Đồng thời, nhằm chia sẻ với người tiêu dùng dịp tết năm nay, công ty còn tung ra gói chi tiêu lên đến 2,4 tỉ đồng để thực hiện khuyến mãi.
Ngoài ra, các DN trứng, thịt gia cầm đều cho rằng giá các mặt hàng này khó có thể tăng bởi nguồn cung được chuẩn bị ngang hoặc vượt cầu. Đồng thời, năm nay sức mua thị trường không tăng mạnh như năm ngoái. Chưa kể, năm nay cũng ít có dịch bệnh hay thời tiết xấu nên nguồn cung ổn định.
Đại diện Co.opmart cho biết đã có kế hoạch chủ động nguồn cung từ rất sớm, tập trung vào những mặt hàng như thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, đồ uống. Một số mặt hàng thiết yếu khác vẫn được Co.opmart chủ động giữ giá tốt hơn thị trường bên ngoài, tối thiểu thấp hơn 10% so với các mặt hàng cùng loại. Dự kiến cận tết, Co.opmart sẽ cùng với một số nhà cung cấp giảm giá thêm một số mặt hàng khác với giá khuyến mãi 10%-50%.
Trong khi đó, siêu thị Big C dự kiến số lượng tiêu thụ tăng nên chuẩn bị khoảng 400 tấn thịt tươi đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đồng thời, nỗ lực đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa và cố gắng bình ổn giá cả các mặt hàng trong thời gian bán hàng tết.
Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, dự báo vào cao điểm tết, giá cả một số loại nguyên liệu và một vài mặt hàng thiết yếu thường tăng. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị hàng dồi dào, các DN có thể đảm bảo ổn định thị trường tết 2014. Đặc biệt giá hàng hóa trong chương trình bình ổn giá thị trường sẽ không tăng. Thậm chí một số mặt hàng thiết yếu như trứng, thịt gia cầm, gia súc sẽ được giảm giá sâu.
Người thu nhập thấp không lo hàng tăng giá
Công ty Chợ đầu mối Bình Điền đưa vào hoạt động kho lạnh với công suất 21.000 tấn. Kho này sẽ đáp ứng nhu cầu bảo quản hàng hóa cho thương nhân chợ đầu mối và khu vực. Lượng hàng hóa nhập chợ trên 8.000 tấn/ngày, vào thời điểm cận tết lượng hàng sẽ tăng khoảng 50%-70%. Đây là điều kiện thuận lợi để các DN bán hàng lưu động tại các quận ngoại thành… phục vụ người lao động có thu nhập thấp, không có điều kiện về quê ăn tết. Vào các ngày cao điểm, tần suất phục vụ các chuyến bán hàng lưu động sẽ được tăng lên.
Theo Tú Uyên
Pháp luật TPHCM