Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát, quá trình hội nhập tạo ra nhiều cơ hội và đem lại nhiều kết quả tích cực đối với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Sau 6 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và tham gia các Hiệp định khu vực mậu dịch tự do song phương và khu vực, cơ hội ngành nông nghiệp Việt Nam đã mở rộng được thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản liên tục tăng ngay cả khi kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng.
Việt Nam đã trở thành quốc gia có vị thế cao trên thị trường thế giới với một số mặt hàng nông sản chủ lực như lúa gạo, thủy sản, cà phê hồ tiêu, điều, cao su. Tuy nhiên, đồng thời với cơ hội việc hội nhập cũng tạo ra không ít thách thức đối với ngành, nhất là đối với nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế là nông dân, các nông hộ sản xuất nông nghiệp.
Tại hội nghị, ông David Shear- Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, và ông Jong Ha Bea- Trưởng đại diện Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) tại Việt Nam cùng cộng đồng các nhà tài trợ, nhà đầu tư đánh giá cao những kết quả mà ngành nông nghiệp Việt Nam đạt được trong thời gian qua. Kết quả này không những giúp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định mà còn góp phần đảm bảo vấn đề an ninh lương thực của thế giới. Trong thời gian tới, Hoa Kỳ và Tổ chức Nông Lương của Liên Hợp Quốc sẽ cùng cộng đồng quốc tế tiếp tục giúp đỡ, và hỗ trợ cho Việt Nam giải quyết những thách thức của hội nhập nhất là vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp mà ngành đang triển khai.
Dân Việt