Tuy vậy, cho đến tận bây giờ, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu không ít sản phẩm nông nghiệp với số lượng lớn, trong đó ngô thuộc loại đứng đầu.
Ngô liên tục dẫn đầu trong nhóm sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu, cả về số lượng cũng như chỉ số gia tăng. Những năm gần đây, ngô nhập khẩu luôn nằm trên mức 2 triệu tấn/năm, liên tục gia tăng theo chiều hướng năm sau cao hơn năm trước. Năm 2013, ngô nhập khẩu với số lượng 2,18 triệu tấn, tăng hơn 35% so với năm trước đó. Bước sang 2014, tính đến hết tháng 7, ngô nhập khẩu tăng vọt lên đến xấp xỉ 2,7 triệu tấn, so cùng kì 2013 tăng gần 1,4 lần. Tính bình quân mỗi tháng, năm 2013 nhập khẩu ngô gần 200.000 tấn/tháng, trong khi đó chỉ số này của 7 tháng đầu năm 2014 lên đến hơn 300.000 tấn/tháng.
Xem xét cả về số lượng cũng như chỉ số gia tăng, nhập khẩu ngô từ đầu 2014 đến nay có mức tăng phi mã, đạt mức kỉ lục cao nhất từ trước đến nay. Với chiều hướng gia tăng như hiện thời, dự ước 2014 nhập khẩu ngô lên đến khoảng 4,5 triệu tấn, tăng hơn gấp đôi so với 2013. Nhập khẩu hàng hóa nói chung cũng như nhập khẩu sản phẩm nông ngiệp nói riêng, hiếm có mặt hàng nào chỉ số nhập khẩu tăng mạnh như ngô.
Ngô là cây trồng truyền thống của bà con nông dân. Kể cả sau khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều địa phương không chỉ duy trì mà còn mở rộng diện tích gieo trồng ngô. Tổng diện tích gieo trồng ngô trên địa bàn cả nước hiện có trên 871.400 ha, tăng hơn 0,2% so với 2013. Diện tích gieo trồng ngô tăng theo kiểu rùa bò, trong khi nhu cầu sử dụng ngô (chủ yếu phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi) không ngừng tăng mạnh, cung - cầu mất cân đối, vì thế buộc phải nhập khẩu với số lượng lớn.
Ngoài việc cung - cầu mất cân đối, ngô nhập khẩu tăng mạnh còn có nguyên nhân khách quan: tính cạnh tranh của ngô nhập khẩu vượt xa ngô nội địa. Trong cùng thời điểm, tính hết các khoản chi phí đầu vào, ngô nhập khẩu có mức giá rẻ hơn gần 500 đồng/kg. Đây là yếu tố tạo ra lợi thế cạnh tranh, thu hút các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi tìm đến ngô nhập khẩu hơn là mua trong nước.
Ngô nhập khẩu tăng phi mã là phù hợp cơ chế thị trường nhưng trở thành vấn đề đáng báo động với sản xuất ngô trong nước. Nếu không nâng cao sức cạnh tranh (cả về chất lượng và giá cả) ngô sản xuất trong nước sẽ bị ngô nhập khẩu "đánh bại" ngay trên sân nhà. Nâng cao sức cạnh tranh cho mặt hàng ngô không chỉ là công việc của nhà nông, mà còn trở thành nhiệm vụ phải làm của các ngành liên quan, trước hết là ngành nông nghiệp.