Chuyển đổi cơ cấu cây trồng có năng suất chất lượng, từng bước hình thành vùng nguyên liệu phục vụ cho chế biến và xuất khẩu là một chủ trương đúng. Tuy nhiên việc thiếu quy hoạch, hỗ trợ và định hướng thị trường đầu ra đang là bài toán khó cho người nông dân.
Bị ép giá và phụ thuộc
Ông Nông Văn Thoại-Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tràng Định (Lạng Sơn) - cho biết, trong nhiều năm trở lại đây, diện tích và sản lượng thạch đen của toàn huyện không ngừng tăng lên. Riêng vụ xuân 2013 toàn huyện trồng được hơn 1.100 ha. Năm nay, thời tiết mưa ẩm nên cây thạch đen phát triển tốt, năng suất đạt khoảng 58 tạ/ha, sản lượng đạt gần 3.500 tấn. Với giá bán cao so với năm ngoái khoảng 30.000 đồng/kg nên nhiều hộ gia đình đã có nguồn thu nhập đáng kể.
Nhiều nông dân xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định bức xúc, thị trường đầu ra cho cây thạch đen bấp bênh, khi Trung Quốc có nhu cầu cao thì giá cao (có lúc tăng kỷ lục như vụ xuân năm 2013 lên tới 45.000 đồng/kg), khi nhu cầu thấp thì giá rất rẻ (có lúc xuống chỉ còn 6.000 đồng/kg). Đã có nhiều người dân gánh thạch sang Trung Quốc bán nhưng luôn bị ép giá, vì tiếc công sức vất vả, hơn nữa gánh về chẳng biết có ai mua, nên đành chấp nhận với giá họ đưa ra.
Đối với hàng hóa nông sản Việt Nam, thị trường tiêu thụ chính vẫn là Trung Quốc. Hình thức buôn bán trao đổi rất đơn giản, không cần hợp đồng. Thực tế này, đã xảy ra nhiều năm, nhiều vùng với nhiều loại nông sản như cây sơn, dưa, thanh long... Người nông dân hoàn toàn “mù” về thông tin thị trường, đặc biệt là giá cả, số lượng, nhu cầu nên phải phụ thuộc vào thương lái.
Nhiều cây trồng có giá trị kinh tế cao như cây thạch đen, sơn... đã được nhiều huyện miền núi xác định là cây mũi nhọn, xóa đói, giảm nghèo, nhưng thực tế mới chỉ dừng lại ở khâu hỗ trợ giống, kỹ thuật chứ chưa lo được đầu ra. Đây cũng là bài toán khó cần lời giải của các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương.
Theo Ông Nguyễn Thế Tuy – Phó Bí thư thường trực tỉnh Lạng Sơn, vấn đề liên quan đến đầu ra cho hàng hóa nông sản là một bài toán khó trên địa bàn cả nước. Hiện nhà nước đã tính đến việc chế biến, giảm xuất thô, tìm kiếm thêm nhiều thị trường để tránh phụ thuộc.
Tìm hướng đi bền vững
Cũng giống như sản xuất hàng hóa công nghiệp, tiêu dùng, thị trường đầu ra luôn là mối quan tâm của người nông dân. Họ cũng muốn trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao nhưng phải ổn định lâu dài, nếu sản phẩm làm ra không bán được thì coi như chết đói. Việc chặt cây này trồng cây khác cũng là “cực chẳng đã”.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Đinh Thị Liên – Phó Chủ tịch HĐND huyện Tràng Định- cho rằng, để ổn định sản xuất cho bà con nông dân, các cơ quan quản lý và cấp chính quyền nên tìm phương hướng giải quyết lâu dài thông qua việc trao đổi thông tin, thảo luận với phía đối tác Trung Quốc để nắm bắt nhu cầu sản lượng tiêu thụ, thời gian, giá cả... tiến tới ký hợp đồng hợp tác lâu dài, hoặc kêu gọi đầu tư xây nhà máy chế biến nguyên liệu.
Có thể thấy, hầu hết sản phẩm nông sản dù xuất thô cũng đang gặp khó khăn và bị phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường. Do vậy song song với việc hỗ trợ kỹ thuật, giống vốn trong sản xuất nông nghiệp, nhà nước cần nghiên cứu, đưa ra các cơ chế, chính sách phù hợp như thu hút đầu tư, phát triển mạnh công nghiệp chế biến, tích cực công tác xúc tiến thương mại, tìm thị trường mới... để người nông dân bám trụ và trung thành với loại cây – con của mình.
Theo Vũ Sơn
Báo công thương