Trong tuyên bố hồi giữa tháng 10-2013 trước quốc hội, Thủ tướng Shinzo Abe nhấn mạnh Tokyo cần đẩy mạnh xuất khẩu để chống chọi với tình trạng giảm phát và bày tỏ quyết tâm thực hiện các chính sách thúc đẩy tăng trưởng. Bên cạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp, ông Abe cho biết sẽ nâng gấp đôi xuất khẩu nông nghiệp và thu nhập của nông dân trong vòng một thập kỷ tới.
Đắt xắt ra miếng
Những loại trái cây ngàn đô từ lâu đã nổi tiếng ở Nhật Bản. Theo AFP, cặp dưa Yubari danh tiếng tìm được khách mua hôm 24-5 tại một ngôi chợ ở thành phố Sapporo với giá lên đến 16.600 USD. Sở dĩ loại dưa cao cấp này có giá cao ngất ngưởng vì được cho là có hình dáng đẹp, màu sắc hoàn hảo và mùi vị ngon nhất. Người mua không xem đó là một phẩm vật đơn thuần mà nhìn đó như một tác phẩm nghệ thuật của tự nhiên. Thậm chí năm 2008 từng có cặp dưa tìm được người chịu bỏ ra đến 26.000 USD để đem về thưởng thức!
Cũng ở phiên đấu giá đó, một chùm nho Ruby Roman được định giá 4.000 USD, tức hơn 110 USD cho mỗi trái nho. Mặc dù đó chỉ là một số trường hợp xảy ra trong những mùa trái cây nhất định, giá thường ngày của các loại trái cây ở những cửa hàng thực phẩm tại Nhật cũng có thể khiến nhiều du khách “nuốt nước bọt” khi một trái táo có giá khoảng 15 USD và một chùm nho giá 100 USD.
Theo AFP, thực phẩm hàng nội tươi ngon có giá đắt đỏ ở Nhật Bản vì nhiều người tin rằng chúng có chất lượng và an toàn hơn hàng nhập. Ngoài ra, trái cây được coi là món quà thể hiện đẳng cấp của mối quan hệ ở Nhật Bản. Vào các dịp lễ, đám cưới, người Nhật thường gửi quà cho bạn bè, đối tác và cấp trên những giỏ trái cây thượng hạng được trang trí hoàn hảo để tỏ thành ý. “Bạn sẽ chẳng bao giờ quên được cảm giác nếm loại trái cây hảo hạng. Thứ bạn bỏ tiền ra mua chính là giá trị và chất lượng” - một khách hàng trả lời khi đang tìm mua trái cây trong một cửa hàng cao cấp.
Do đó nông dân Nhật Bản có thói quen trồng trọt cầu kỳ để đáp ứng các nhu cầu cao cấp. Ông Yoshinobu Ishiyama, chủ một cửa hàng trái cây ở Tokyo, cho biết ông dành hết tình yêu cho những trái dưa lưới được trồng trong nhà kính tối tân điều khiển bằng máy tính ở tỉnh Shizuoka. Đích thân ông thụ phấn hoa và mỗi cây chỉ giữ lại một trái tốt nhất để chất dinh dưỡng tập trung vào quả này. “Giá cao vì chi phí và công chăm sóc chúng” - ông giải thích việc định giá hàng ngàn USD cho những trái dưa.
Không chỉ trái cây, Nhật cũng nổi tiếng với món thịt bò Kobe khai thác từ những con bò tơ thuần chủng giống Tajima được nuôi nấng cầu kỳ. Thịt bò thậm chí còn phải vượt qua một số tiêu chuẩn về gân thịt. Ở tỉnh Hyogo, số bò Kobe chỉ được nuôi giới hạn 3.000 con mỗi năm. Ngoài ra, nhiều loại gạo đắt đỏ nhất thế giới được trồng ở Nhật Bản với chất lượng cao hơn hẳn gạo của Trung Quốc hoặc các nước Nam Á và được dùng để ủ rượu sake thượng hạng.
Chuẩn bị cho TPP
Lý do mà Thủ tướng Abe lên kế hoạch thúc đẩy xuất khẩu thực phẩm cao cấp là nhằm chuẩn bị cho việc giảm thuế nhập khẩu để tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Dù TPP có lợi cho các nhà xuất khẩu lớn của Nhật, làn sóng thực phẩm nhập khẩu có thể đè bẹp ngành nông nghiệp vốn đang dựa rất nhiều vào sự trợ giá của chính phủ và được bảo vệ bằng mức thuế nhập khẩu cao ngất ngưởng, chẳng hạn gần 800% đối với gạo.
Trong khi đó, nông dân Nhật trước nay hầu như chỉ quanh quẩn với thị trường trong nước. “Chúng tôi chỉ nhắm đến người giàu và không có hứng thú với các thị trường” - Komei Kondo, phó lãnh đạo bộ phận sản phẩm nông nghiệp thuộc Công ty thương mại Marubeni, từng tuyên bố. Trong khi đó, tuổi trung bình của nông dân nước này vào khoảng 66 tuổi và họ làm nông trên diện tích trung bình chưa đến 1ha, không muốn có sự thay đổi nào trong truyền thống sản xuất. Một quan chức địa phương cho biết hầu như rất khó tìm được đại diện tham gia các hội chợ nông sản ở nước ngoài.
Tuy nhiên, Thủ tướng Abe kêu gọi ngành nông nghiệp Nhật Bản nên bắt đầu nghĩ đến các thị trường nước ngoài. Ông cho biết để thúc đẩy nông sản xuất khẩu, Chính phủ Nhật đã phối hợp với các ngân hàng thiết lập một quỹ dự kiến khoảng 600 triệu USD để hỗ trợ các mặt hàng nông sản giá trị cao.
Một điển hình thành công được báo Wall Street Journal nhắc đến là hãng cung cấp loại rượu sake thượng hạng Dassai đang nổi lên ở các thị trường Mỹ, Hong Kong, Singapore. “Ngay từ đầu chúng tôi chỉ tập trung vào thị trường cao cấp - chủ tịch Hiroshi Sakurai của Công ty sản xuất rượu Asahi Shuzo giải thích - bởi chúng tôi chỉ là một nhà nấu rượu nhỏ trên núi, không thể cạnh tranh về số lượng”.
Kể từ khi tấn công vào thị trường nước ngoài, Công ty Asahi Shuzo chỉ bán Dassai cho các nhà hàng Nhật cao cấp rồi nhanh chóng mở rộng ra các quán rượu hạng sang, thậm chí các nhà hàng Pháp. Doanh thu xuất khẩu chiếm 10% trên tổng doanh thu 25 triệu USD, nhưng ông dự kiến nâng lên mức 50% trong thời gian tới.
Sợ bê bối thực phẩm Một loạt vụ bê bối về thực phẩm thời gian qua đã khiến thương hiệu Nhật bị ảnh hưởng. Theo Reuters, trong số này có lo ngại thịt bò nhiễm xạ sau thảm họa động đất, sóng thần năm 2011 làm rò rỉ chất phóng xạ ở Fukushima. Ngoài ra, gần đây nhiều nhà hàng và khách sạn lớn ở Nhật đã thừa nhận dùng các sản phẩm kém chất lượng trong khoảng 17 năm qua. Ví dụ như loại tôm thẻ chân trắng rẻ tiền được gắn mác tôm Shiba Nhật Bản cao cấp, bò nhập khẩu được dán nhãn thịt wagyu cao cấp hay như nước cam đóng hộp được quảng cáo là cam vắt tươi ngon. Theo Japan Times, Chánh văn phòng nội các Nhật Yoshihide Suga cho rằng những sự việc nối tiếp nhau như thế này đã làm mất niềm tin đối với người tiêu dùng. Các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng và các chuyên gia đổ lỗi cho tệ quan liêu và thiếu kinh phí dẫn đến việc giám sát yếu kém. Việt Phương |
Theo Trần Phương
Tuổi trẻ