Theo thông tư 08 của Bộ Công Thương, từ 7/6, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được quyền xuất khẩu chỉ được trực tiếp mua hàng hóa của thương nhân Việt Nam mà không được tổ chức mạng lưới mua gom hàng hóa tại Việt Nam để xuất khẩu. Quy định này đã và đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Doanh nghiệp FDI kêu bị phân biệt đối xử
Phản ứng với quy định này, một số doanh nghiệp FDI cho rằng Thông tư 08 đã tạo ra sự bất bình đẳng và phân biệt đối xử. Theo giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thủy sản, nếu thông tư này có hiệu lực trong thời gian tới, công ty ông có nguy cơ phá sản vì không mua được nguyên liệu thủy sản để chế biến xuất khẩu.
Ông cũng cho rằng thông tư này có thể tạo nên độc quyền bán cho các doanh nghiệp trong nước bởi nếu không mua nguyên liệu trong nước, doanh nghiệp FDI không còn nguồn nào khác để mua. Chưa kể chi phí nguyên liệu có thể bị đẩy lên cao vì doanh nghiệp trong nước độc quyền bán. Với nhiều doanh nghiệp FDI đã đầu tư hệ thống mua nguyên liệu, khoản đầu tư sẽ không còn tác dụng một khi Thông tư 08 có hiệu lực.
Một khó khăn khác cho các doanh nghiệp FDI là bị phụ thuộc vào các doanh nghiệp trong nước về nguồn cung nguyên liệu, nhất là khi xảy ra tình trạng khan hiếm nguyên liệu. Hiện nay, đa phần các doanh nghiệp trong nước mua nguyên liệu nông sản đều có chức năng xuất khẩu.
Ngoài những bất cập nêu trên, theo nhiều doanh nghiệp, Thông tư 08 còn đi ngược lại nguyên tắc thị trường, tạo ra sự độc quyền mua nguyên liệu nông sản cho doanh nghiệp trong nước. Nếu điều này xảy ra, nông dân có thể bị ép giá và không bán được sản phẩm theo giá thị trường.
Chuyên gia lại bảo là hợp lý
Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thương mại, Thông tư 08 ra đời nhằm chấn chỉnh lại hoạt động tranh mua tranh bán nguyên liệu gây bất ổn cho thị trường trong nước thời gian qua là kịp thời và hợp lý.
Theo ông Nguyễn Đình Bích, Vụ Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công Thương, việc tranh mua tranh bán nguyên liệu nông sản của các doanh nghiệp FDI và các thương nhân nước ngoài vào Việt Nam đã ảnh hưởng đến quy hoạch các vùng nguyên liệu và công nghiệp chế biến. Việc tranh mua đã đẩy giá các loại nông sản lên mức cao, ảnh hưởng mặt bằng giá tiêu dùng trong nước, giá thu mua nguyên liệu của các doanh nghiệp chế biến.
Ngoài ra, việc các doanh nghiệp, thương nhân nước ngoài mua nông sản ồ ạt, không phân biệt chất lượng, kích cỡ, chủng loại cũng làm ảnh hướng xấu đến hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam ra nước ngoài. Thời gian qua, nhiều thương nhân nước ngoài đã vào Việt Nam thuê đất trồng lúa, trái cây và nhiều loại nông sản khác và khuyến khích nông dân mở rộng diện tích. Thế nhưng khi nhu cầu thị trường cạn, họ ngay lập tức bỏ đi và hậu quả là nhiều nông sản dư thừa. Vì vậy, nếu không có chế tài đủ mạnh, thương nhân nước ngoài sẽ thâu tóm toàn bộ hệ thống sản xuất của Việt Nam, ông Bích cho hay.
Bình luận về Thông tư 08 vừa ban hành, ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), cũng cho rằng so với nước ngoài, pháp luật Việt Nam quy định về hoạt động này thông thoáng hơn nhiều.
Cụ thể, trong ngành cà phê, Indonesia quy định khá chặt chẽ về việc mua nguyên liệu của các doanh nghiệp FDI. Ngoài giới hạn chức năng hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, doanh nghiệp FDI muốn mua nguyên liệu từ nông dân phải có giấy giới thiệu của chính quyền địa phương. Doanh nghiệp phải chứng minh đã đầu tư vùng nguyên liệu, thực hành sản xuất cà phê tốt mới được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận mua nguyên liệu. Nếu trong 3 năm, doanh nghiệp FDI không đầu tư được vùng nguyên liệu và không có sản phẩm xuất khẩu, sẽ thu hồi giấy phép thu mua.
Trả lời câu hỏi nếu doanh nghiệp FDI không được phép tổ chức mua nguyên liệu nông sản, liệu nông dân có bị ép giá? Theo ông Vinh, vấn đề này phải được nhìn nhận trên nhiều khía cạnh khác nhau. Nhiều doanh nghiệp FDI hiện nay không đầu tư vào vùng nguyên liệu, không có chiến lược dài hạn để việc phát triển vùng nguyên liệu trong nước, dù trong giấp phép đầu tư của họ có quy định rõ chức năng này. Trong khi đó, các doanh nghiệp nội địa phải đầu tư cho vùng nguyên liệu, hỗ trợ cho nông dân từ con giống đến vật tư nông nghiệp. Tuy nhiên, khi đến vụ thu hoạch, nông dân lại bán cho doanh nghiệp FDI với giá cao hơn. Doanh nghiệp FDI mua giá cao vì họ không bỏ chi phí đầu tư cho vùng nguyên liệu, ông Vinh dẫn chứng. Thực tế trong ngành cà phê, nhiều doanh nghiệp FDI vẫn mua nguyên liệu xuất thô để kiếm lợi nhuận nhanh mà không đầu tư cho vùng nguyên liệu.
Một chuyên gia thương mại khác cũng cho rằng khó có thể đòi hỏi sự công bằng trong việc mua nguyên liệu nông sản giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Nhiều năm qua, các doanh nghiệp FDI luôn được ưu đãi về thuế, được vay vốn ngoại tệ từ công ty mẹ ở nước ngoài với mức lãi suất thấp. Đó là chưa kể hiện tượng chuyển giá để trốn thuế. Với nguồn lực và lợi thế trên, các doanh nghiệp FDI có quá nhiều lợi thế so với doanh nghiệp trong nước, vị chuyên gia nói trên phân tích.
Ông cũng cho rằng, về lâu dài, cái gốc của vấn đề là phải để cho thị trường nguyên liệu nông sản tự vận hành. Nhà nước chỉ đóng vai trò khuyến khích, định hướng và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đầu tư lại cho ngành nông nghiệp trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI và nông dân. Quan trọng hơn, doanh nghiệp trong nước buộc phải nâng cao năng lực cạnh tranh, gắn kết và chia sẻ lợi ích với nông dân. Khi làm được điều này, "bài toán tranh mua, tranh bán" mới được giải quyết.