Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippine (NFA) đã đặt mua 800.000 tấn gạo của hai nhà xuất khẩu Việt Nam, khối lượng mua nhiều nhất trong vòng 3 năm, để làm đầy kho dự trữ.
Song việc Philippine mua cũng không hỗ trợ giá gạo tăng lên, và gạo 5% tấm của Việt Nam hôm 30/4 chào giá 385-395 USD/tấn, gần như không thay đổi so với 390-395 USD/tấn một tuần trước đó.
“Tôi nghĩ khối lượng này không đủ lớn để hỗ trợ giá, nhất là khi nhu cầu nhìn chung yếu mà Thái Lan lại tích cực bán gạo dự trữ ra thị trường”, một thương gia ở Bangkok cho biết.
Giá gạo Thái chào bán thậm chí còn giảm mạnh khi chính phủ tích cực bán gạo dự trữ ra. Và hiện gạo Thái loại 5% tấm có giá chào rẻ hơn gạo Việt, chỉ 378-380 USD/tấn, giảm so với 390-400 USD/tấn một tuần trước đây.
Tuy nhiên, giá gạo Thái Lan giảm có tác dụng hấp dẫn khách hàng châu Phi, họ đã đặt mua 10.000 tấn gạo đồ 5% tấm với giá 418 USD/tấn, kỳ hạn giao tháng 6.
Các thương gia dự báo giá gạo châu Á sẽ còn giảm thêm nữa bởi chính phủ dự định sẽ tiếp tục xuất kho dự trữ ra để có tiền thanh toán nốt nợ mua lúa của dân.
Bộ trưởng Thương mại Niwatthamrong Boonsongphaisan cho biết chính phủ sẽ bán khoảng 800.000 đến 1 triệu tấn gạo mỗi tháng.
Về thông tin liên quan, xuất khẩu gạo qua đường tiểu ngạch của Việt Nam tiếp tục thuận lợi. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) mới đây cho biết tính từ đầu năm đến ngày 24-4-2014, Việt Nam đã xuất khẩu được khoảng 1,6 triệu tấn gạo, trị giá hơn 687 triệu USD.
Ước tính đến hết tháng 4-2014, khối lượng xuất khẩu gạo bốn tháng đầu năm 2014 đạt trên 2 triệu tấn với 931 triệu USD.
Đại diện VFA cho biết giá gạo xuất khẩu hiện đạt bình quân khoảng 460 USD/tấn, cao hơn gần 33 USD/tấn so với mức giá xuất khẩu bình quân trong tháng 3-2014. Đáng chú ý nhất là thị trường Philippines có sự tăng trưởng đột biến trong ba tháng đầu năm với mức tăng gấp sáu lần về khối lượng và tăng bảy lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Với mức tăng trưởng này, Philippines vươn lên vị trí đứng thứ hai về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam, chiếm 27% thị phần (đứng thứ nhất là thị trường Trung Quốc với 38,37% thị phần), tiếp đến là Ghana, Singapore, chiếm thị phần lần lượt là 5% và 4%.
T.Hải
Nguồn: Vinanet/Reuters