Thái Lan xem xét “hệ thống giá linh hoạt” cho các phiên đấu giá
Chính phủ Thái Lan có thể xem xét sửa đổi các điều kiện đấu giá gạo, kể cả việc thiết lập các mức giá sàn linh hoạt nhằm đảm bảo hoạt động bán gạo diễn ra trơn tru và nhận được giá thầu thực tế, theo các nguồn tin trong nước.
Tổng cục trưởng Tổng cục Ngoại thương (DG-DFT) đang có kế hoạch trình lên lên Hội đồng Hòa bình và Trật tự Quốc gia (NCPO) đề xuất áp dụng “phạm vi giá” thay vì giá sàn cụ thể, do vậy, sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc điều chỉnh giá sàn theo mức giá thầu nhận được. Mặc dù giá sàn được định rõ trong phiên đấu giá trước, nhưng không hiệu quả khi hầu hết những người tham dự đều trả giá thấp hơn giá sàn.
Do vậy, chính phủ quyết định không bán ra lượng gạo nào trong phiên đấu giá đó. Khoảng 46 nhà xuất khẩu, nhà xay xát và thương nhân đã tham gia phiên đấu giá hồi tuần trước.
DG-DFT cũng cho rằng chính phủ cần tiến hành các biện pháp đảm bảo chất lượng gạo cùng với việc áp dụng hệ thống giá sàn linh hoạt trong các phiên đấu thầu tới đây.
Các nhà xuất khẩu gạo muốn mức giá sàn thấp hơn để có thể thu mua thêm gạo khi nhu cầu gạo Thái Lan trên thị trường quốc tế đang tăng.
Theo số liệu của Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA), 6 tháng đầu năm nay, Thái Lan xuất khẩu 4,68 triệu tấn gạo, tăng 60% so với 2,93 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái. Chủ tịch TREA dự đoán xuất khẩu gạo của Thái Lan sẽ đạt trên 9 triệu tấn trong năm nay nhờ nhu cầu tăng tại Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Philippines.
Nga loại gạo Mỹ ra khỏi danh sách cấm vận thực phẩm
Chính phủ Nga đã tuyên bố áp đặt lệnh cấm hầu hết mặt hàng lương thực, thực phẩm nhập khẩu từ Mỹ, EU, Na Uy, Canada và Australia trong 1 năm tới nhằm trả đũa các đòn trừng phạt của Mỹ và EU. Lệnh cấm sẽ áp dụng đối với thịt, cá, các loại hạt, trái cây, rau và sản phẩm sữa từ 13/8/2014.
Tuy nhiên, các nguồn tin trong nước dẫn lời Thủ tướng Nga cho biết, lệnh cấm nhập khẩu lương thực, thực phẩm sẽ không bao gồm sản phẩm gạo Mỹ và gạo tự nhiên (wild rice). Các nhà xuất khẩu Mỹ biết điều này và đang theo dõi sát sao diễn biến.
Mỹ chủ yếu xuất khẩu gạo hạt vừa sang Nga. Xuất khẩu gạo của Mỹ (kể cả gạo wild rice) sang Nga giai đoạn 2009-2013 tăng đáng kể, tăng 5 lần từ 1.471 tấn năm 2009 lên 7.355 tấn năm 2013. Xuất khẩu gạo từ Mỹ sang Nga 6 tháng đầu năm nay giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính Nga nhập khẩu 250.000 tấn gạo trong năm 2014, tăng 4% so với 240.000 tấn năm 2013.
Myanmar dự định hoàn tất thỏa thuận xuất khẩu gạo với Trung Quốc
Myanmar đang có kế hoạch đàm phán và hoàn tất thỏa thuận xuất khẩu gạo với Trung Quốc nhằm tránh gặp phải những vấn đề pháp lý.
Trung Quốc từ lâu cho rằng lượng gạo xuất khẩu bất hợp pháp từ Myanmar ngày càng tăng và đã bày tỏ lo ngại rằng gạo Myanmar không đáp ứng quy định kiểm dịch thực vật của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc gần đây đã yêu cầu thỏa thuận chính thức vệ sinh và kiểm dịch thực vật về tiêu chuẩn gạo với Myanmar.
Bộ trường Thương mại Myanmar cho biết, nước này sẽ bắt đầu đàm phán với Tổng cục Kiểm tra, Giám sát chất lượng và Kiểm dịch Trung Quốc (AQSIQ) vào tháng tới về việc hợp pháp hóa xuất khẩu gạo từ Myanmar sang Trung Quốc. Phía Myanmar cũng sẽ nỗ lực cố định hạn ngạch xuất khẩu nhằm đảm bảo tính hợp pháp của xuất khẩu gạo từ Myanmar. Hơn nữa, Myanmar đang có kế hoạch hoàn tất hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc, kể cả sản phẩm gạo cũng như các mặt hàng nông sản khác.
Năm 2013, Myanmar xuất khẩu 747.000 tấn gạo sang Trung Quốc qua biên giới phía bắc nước này. Theo báo cáo tháng 6 của Ngân hàng Thế giới, xuất khẩu gạo của Myanmar sang Trung Quốc tăng 125 lần từ năm 2011.
Theo Bộ Thương mại Myamnar, xuất khẩu gạo của Myanmar năm tài khóa 2013-2014 có thể đạt 1,1 triệu tấn, giảm 47% so với 2,1 triệu tấn năm 2012-2013.
Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính xuất khẩu gạo của Myanmar năm 2014 đạt 1,3 triệu tấn, tăng 12% so với năm 2013. Sản lượng gạo ước đạt 11,96 triệu tấn năm 2013-2014, trong khi tiêu thụ đạt 10,5 triệu tấn.
Nguồn Theo DVO/Oryza