Giá gạo thế giới ngày 17/9/2014
Tuần trước, Thái Lan đã tạm dừng chương trình “Gạo đổi lấy Đường sắt cao tốc” (R for R) với Trung Quốc, lý do chính là sự khác biệt về giá, theo các nguồn tin địa phương.
Thái Lan và Trung Quốc đã ký thỏa thuận R for R hồi tháng 10/2013, theo đó Trung Quốc sẽ xây dựng tuyến đường sắt cao tốc tại Thái Lan đổi lại sẽ nhận được gạo từ Thái Lan. Tuy nhiên, hồi tháng 2/2014, đã xuất hiện hoài nghi về tính liên tục của dự án do bất ổn chính trị tại Thái Lan. Một trong những doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã hủy bỏ thỏa thuận mua 1,2 triệu tấn gạo từ Thái Lan sau khi Ủy ban Chống tham nhũng Quốc gia Thái Lan (NACC) bắt đầu điều tra chương trình trợ giá lúa gạo gây nhiều tranh cãi.
Tuần trước, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Chatchai Sarikalya cho biết, dự án bị tạm dừng do sự khác biệt lớn về giá giữa gạo Thái Lan và công nghệ đường sắt cao tốc. Bộ trưởng cũng lưu ý rằng cả 2 chính phủ đang nỗ lực tìm ra các phương pháp khác để tiếp tục dự án và cho biết thêm Trung Quốc đang quan tâm đến đầu tư cơ sở hạ tầng tại Thái Lan. Nhưng ông Chatchai Sarikalya cũng nói rằng Thái Lan muốn đổi dự án đường sắt cao tốc lấy sản phẩm khác thay vì gạo.
Ấn Độ muốn WTO sửa đổi quy định trợ cấp lúa gạo
Chính phủ Ấn Độ đang nỗ lực vận động WTO xem xét lại quy định về trợ cấp lúa gạo và cho nước này thêm khả năng thu mua và tiếp tục Đạo luật An ninh Lương thực, theo các nguồn tin địa phương.
Hiện tại, WTO không cho phép mức trợ cấp cao hơn 10% tổng sản lượng bất kỳ mặt hàng nào, kể cả lúa gạo. Theo số liệu trợ cấp nội địa của chính phủ Ấn Độ công bố trong tuần kết thúc vào 5/9, trợ cấp hàng năm của nước này đạt 2,28 tỷ USD, chiếm 7% tổng sản lượng gạo năm tài khóa 2010-2011. Ấn Độ đã thông báo khoản trợ cấp nông trại 57 tỷ USD năm 2010-2011.
Theo một quan chức Ấn Độ, mặc dù trợ cấp nông trại của Ấn Độ vẫn thấp hơn 10%, nhưng nước này có thể vượt giới hạn này trong vài năm tới và điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thu mua lúa gạo để đảm bảo an ninh lương thực. Nếu Ấn Độ vi phạm giới hạn này, chính phủ sẽ không thể tăng giá hỗ trợ tối thiểu (MSP) đối với lúa gạo. Hơn nữa, Ấn Độ có thể bị hứng chịu lệnh trừng phạt từ các nước thành viên khác.
Chính phủ Ấn Độ đang nỗ lực tìm cách việc xem xét lại cơ sở tính toán giới hạn các khoản trợ cấp sao cho thực tế hơn. Hiện tại, WTO đang sử dụng giá của năm 1986-1987 làm giá tham khảo để tính toán giới hạn trợ cấp. Theo các quan chức Ấn Độ giá tham khảo này không còn mang tính thực tiễn vì giá lương thực đã tăng nhiều lần trong 2,5 thập kỷ qua.
Do vậy, chính phủ Ấn Độ đang cố gắng đàm phát với WTO để có được giải pháp bền vững về vấn đề an ninh lương thực tại WTO.
8 tháng Brazil xuất 840.387 tấn gạo
Xuất khẩu gạo của Brazil 8 tháng đầu năm 2014 đạt 840.387 tấn, theo số liệu của Viện Lúa gạo Rio Grande do Sul (IRGA).
Venezuela vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của gạo Brazil với 141.524 tấn, chiếm 17% tổng lượng gạo xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm, tiếp đến Cuba với 115.329 tấn, chiếm 14%, Sierra Leone 98.747 tấn, chiếm 12%, Senegal 80.209 tấn, chiếm 10%.
Công ty Cung cấp Ngũ cốc Quốc gia Brazil (Conab) ước tính Brazil sản xuất khoảng 12,16 triệu tấn lúa năm 2013-2014, tăng 3% so với 11,82 triệu tấn năm 2012-2013.
Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính sản lượng lúa Brazil niên vụ 2014-2015 (tháng 4 – tháng 3) đạt 12,28 triệu tấn (8,35 triệu tấn gạo), tăng 0,5% so với 12,21 triệu tấn lúa niên vụ 2013-2014. Xuất khẩu gạo của Brazil ước đạt 950.000 tấn năm 2014, tăng 13% so với 840.000 tấn năm 2013.