Bộ Thương mại Thái Lan sẽ xin cấp phép từ Ủy ban Chính sách Lúa gạo để bán gạo trở lại từ tháng 8/2014. Hội đồng Hòa bình và Trật tự Quốc gia (NCPO) đã tạm ngừng hoạt động bán gạo để tiến hành kiểm tra số lượng và chất lượng gạo lưu kho.
Bộ Thương mại dự định bán khoảng 500.000 tấn gạo mỗi tháng thông qua đấu giá, thỏa thuận liên chính phủ (G2G) và Sàn giao dịch Nông nghiệp Tương lai Thái Lan (AFET). Hai tuần trước, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Ngoại thương Thái Lan đã đề cập đến việc tái khởi động việc bán gạo vào tháng tới.
Theo các nguồn tin trong nước, Bộ Thương mai sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ của Văn phòng Thủ tướng cũng như Bộ Tài chính nhằm đảm bảo sự minh bạch trong tất cả các giao dịch. Bộ Thương mại cũng sẽ sử dụng các chuyên gia tại Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) trong nỗ lực giúp Thái Lan giành lại vị trí nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Bộ Thương mại cũng cho biết sẽ hỗ trợ lĩnh vực tư nhân bán gạo tại các thị trường cụ thể.
Hiện tại lượng gạo dự trữ trong kho chính phủ đạt khoảng 18 triệu tấn, và việc kiểm tra dự kiến hoàn tất vào cuối tháng 9.
Chủ tịch TREA cho biết, để tránh gây áp lực giảm giá, TREA đang đề xuất chính phủ Thái Lan bán gạo từ kho dự trữ với từng lô nhỏ 100.000-200.00 tấn.
Giá gạo Thái Lan bắt đầu tăng trở lại sau khi NCPO tạm ngừng bán gạo. Giá gạo 5% tấm xuất khẩu tăng lên 425 USD/tấn trong tuần này, tăng 4% so với 410 USD/tấn trong tuần trước và tăng 12% so với đầu tháng 6/2014. Tuy nhiên, mức giá này vẫn thấp hơn 10% so với 470 USD/tấn cùng kỳ năm ngoái.
Theo số liệu của TREA, Thái Lan xuất khẩu 2,94 triệu tấn gạo trong 4 tháng đầu năm 2014, tăng 48% so với 1,985 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái. TREA ước tính xuất khẩu gạo của Thái Lan năm 2014 đạt 9 triệu tấn, tăng 34% so với 6,7 triệu tấn năm 2013.
Cựu thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines chỉ trích kế hoạch nhập khẩu gạo bổ sung
Cựu thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines (DA) đã lên tiếng chỉ trích kế hoạch nhập khẩu thêm 500.000 tấn gạo của chính phủ nước này sau khi đã nhập 800.000 tấn.
Ông này cho đây là “động thái mang động cơ chính trị” và là dấu hiệu “nghi ngờ” người trồng lúa trong nước. Ông này cho rằng việc nhập khẩu gạo trước vụ thu hoạch vào tháng 9 sẽ làm tăng gánh nặng kinh tế đối với nông dân.
Tuy nhiên, Trợ lý tổng thống về An ninh Lương thực nhấn mạnh rằng việc nhập khẩu bổ sung là cần thiết do vừa qua chính phủ đã sử dụng một lượng lớn gạo từ kho dự trữ cũng như để kiềm chế giá tăng. Chính phủ Philippines đã bị chỉ trích vì cắt giảm lượng nhập khẩu gạo trong năm 2013, khiến giá gạo tăng bất thường và làm gia tăng lượng gạo nhập khẩu tiểu ngạch.
Với lượng gạo nhập khẩu bổ sung, tổng khối lượng gạo nhập khẩu của Philippines năm 2014 sẽ đạt 1,3 triệu tấn.
Bộ Nông nghiệp Mỹ ước tính Philippines sẽ nhập khẩu 1,45 triệu tấn gạo trong năm 2014, kể cả 250.000 tấn nhập tiểu ngạch, trong khi đó, FAO dự báo nước này sẽ nhập khẩu 1,2 triệu tấn gạo trong năm 2014.
Trung Quốc giúp Fiji nâng cao sản lượng gạo, giảm nhập khẩu
Chính phủ Trung Quốc sẽ tổ chức một cuộc hội thảo và đào tạo về phương pháp canh tác các giống lúa lai cho các quan chức của Bộ Nông nghiệp Fiji nhằm giúp Fiji nâng cao sản lượng lúa và kiềm chế nhập khẩu.
30 quan chức Bộ Nông nghiệp Fiji (MoA) sẽ tham dự hội nghị chuyên đề và khóa đào tạo vào cuối tuần này tại Trung Quốc. MoA cho biết, hội nghị chuyên đề cùng chương trình đào tạo này sẽ hỗ trợ cho Chương trình Tái sinh Lúa gạo của MoA.
Một quan chức cao cấp của MoA cho biết “Hội nghị chuyên đề về các giống lúa lai này là một phần trong sáng kiến của Trung Quốc nhằm hỗ trợ Chính phủ Fiji cắt giảm giá trị nhập khẩu khoảng 40 triệu USD/năm. Khóa đào tạo này sẽ giúp trang bị cho các quan chức MoA kiến thức về việc gieo cấy các giống lúa khác nhau để sau đó phổ biến lại cho nông dân. Việc này sẽ giúp tăng sản lượng lúa gạo tại Fiji”.