Giá gạo thế giới ngày 3/9/2014
Thái Lan bán 175.000 tấn gạo sang Indonesia theo thỏa thuận G2G
Bộ Thương mại Thái Lan và Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) đã nhất trí cung cấp 175.000 tấn gạo 5% tấm và 15% tấm cho Indonesia theo hợp đồng liên chính phủ (G2G), Reuters đưa tin.
Một trong những chủ tịch danh dự của TREA cho biết, gạo xuất khẩu chủ yếu được lấy từ vụ thu hoạch mới và lĩnh vực tư nhân sẽ đảm nhiệm nguồn cung này. Đây là dấu hiệu tốt sau khi Indonesia tạm dừng mua gạo Thái Lan từ năm 2012 vì cho rằng chất lượng gạo không đảm bảo.
Tháng 8, Cơ quan Bulog quốc gia Indonesia cho biết đã được ủy quyền nhập khẩu 250.000-500.000 tấn gạo trong năm nay, nhưng lượng nhập khẩu còn phụ thuộc vào sản lượng trong nước và giá cả. Bulog đã nhập khẩu 50.000 tấn gạo – khoảng 20.000 tấn gạo 5% tấm và 30.000 tấn gạo 25% tấm – từ Việt Nam để đáp ứng nhu cầu nội địa cũng như đảm bảo nguồn cung và kiềm chế giá tăng.
Chính phủ Philippines chỉ đạo Bulog nhập khẩu gạo sau khi Cục Thống kê Trung ương (BPS) ước tính sản lượng lúa năm 2014 của nước này giảm xuống 69,8 triệu tấn, giảm 2% so với 71,28 triệu tấn năm 2013, chủ yếu do diện tích gieo cấy giảm 26.530 ha so với năm 2013.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính Indonesia sản xuất 37,36 triệu tấn gạo và nhập khẩu 1,5 triệu tấn trong năm 2014. Tiêu thụ gạo của Indonesia dự đoán tăng 1% lên 38,65 triệu tấn năm 2014.
Hàn Quốc sẽ áp thuế nhập khẩu gạo 500%?
Chính phủ Hàn Quốc định áp thuế 500% đối với nhập khẩu gạo bắt đầu từ năm tới khi tiến hành tự do hóa thị trường lúa gạo, theo các nguồn tin trong nước.
Một quan chức Bộ Nông nghiệp và Vấn đề Nông thôn Hàn Quốc cho biết, thuế suất cao là nhằm bảo vệ ngành lúa gạo nội địa. Chính phủ Hàn Quốc sẽ phải chứng minh quan điểm của mình về việc áp đặt thuế suất cao như vậy tại WTO.
Tuy nhiên, các nguồn tin từ Bộ này cho biết thuế suất trên 400% là đủ để bảo vệ ngành lúa gạo trong nước. Việc áp đặt thuế suất quá cao có ưu điểm và nhược điểm. Chính phủ sẽ chứng minh mức thuế cao như thế nào hiện đang là câu hỏi lớn.
Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố mở cửa thị trường gạo từ tháng 1/2015 khi hạn ngạch nhập khẩu theo thỏa thuận WTO kết thúc vào năm nay. Chính phủ Hàn Quốc phải xác nhận việc có tiếp tục hạn ngạch nhập khẩu hay tự do hóa thị trường gạo với việc áp đặt thuế trước ngày cuối cùng của tháng 9 năm nay. Do chính phủ Hàn Quốc quyết định tự do hóa thị trường gạo, nên có thể thông báo cho WTO về mức thuế trước ngày kết thúc tháng 9.
Theo thỏa thuận WTO, Hàn Quốc được phép nhập khẩu 4% nhu cầu tiêu thụ gạo hàng năm trong thời hạn 10 nam theo hạn ngạch nhập khẩu gạo năm 1993. Thỏa thuận này được gia hạn thêm 10 năm nữa vào năm 2004, buộc nước này phải nhập khẩu 7,96% nhu cầu tiêu thụ nội địa.
Hiện tại, Hàn Quốc có nghĩa vụ nhập khẩu khoảng 409.000 tấn gạo, tương đương 9% nhu cầu tiêu thụ, theo khối lượng Tiếp cận Thị trường Tối thiểu WTO (MMA) với thuế suất 5%. Hạn ngạch nhập khẩu MMA vẫn được áp dụng thậm chí sau khi nước này tự do hóa thị trường gạo theo quy định của WTO.