Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, tính từ đầu năm đến nay, xuất khẩu (XK) gạo Việt Nam đạt hơn 1,75 triệu tấn, trị giá gần 765 triệu USD, giảm 18,7% về lượng và 18,49% về trị giá so với cùng kỳ năm 2013. Đặc biệt, trong tháng 4/2013, XK gạo không đạt kế hoạch đề ra là 700.000 tấn và thấp hơn cả tháng 3. Mặc dù đây là tháng XK trọng điểm qua các năm với nguồn cung cấp dồi dào từ thu hoạch vụ đông xuân.
Nguyên nhân là do giao hàng đến hầu hết các thị trường đều sút giảm mạnh, nhất là Châu Phi – thị trường ổn định, lớn thứ hai của Việt Nam trong thời gian qua đang sút giảm mạnh do mất thị phần với gạo Thái Lan. Ngoài ra, Malaysia cũng đã mua hầu hết gạo Thái Lan cho nhu cầu trong năm 2014. Còn Indonesia chưa có nhu cầu nhập khẩu. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc tăng lên 51%.
Như vậy trong 2 năm liên tiếp, Trung Quốc đã trở thành thị trường gạo lớn nhất của Viện Nam và sẽ tiếp tục đứng đầu trong thời gian tới do nhu cầu ngày càng tăng.
VFA cho rằng, điều này sẽ bù đắp sự sút giảm từ các thị trường khác do cạnh tranh với Thái Lan. Tuy nhiên, VFA cũng lo ngại rằng, Việt Nam đã nhận nhiều quả đắng khi phụ thuộc vào phía đối tác Trung Quốc như bị ép giá và rủi ro không thực hiện hợp đồng khi giá thị trường biến động.
Song, điểm sáng hiện nay là Việt Nam còn giữ được thị trường Philippin với số lượng trúng thầu 800.000 tấn vừa qua, mặc dù chỉ giao hàng 200.000 tấn từ tháng 5 – 8/2014. Do đó sẽ giúp giữ giá ổn định trong thời gian tới và giảm bớt áp lực ép giá từ thị trường Trung Quốc.
VFA cũng dự kiến XK quý 2 sẽ đạt 1,8 triệu tấn. Cộng XK cả năm đạt 6,2 triệu tấn, chưa tính XK qua biên giới Trung Quốc không thống kê được. Mục tiêu là XK hết lúa gạp hàng hóa của nông dân.
Ngoài ra, dự báo Thái Lan sẽ vượt Ấn Độ, là quốc gia đứng đầu XK gạo trong năm 2014. Bởi hiện tại, Thái Lan đang tìm mọi cách XK để lấy tiền trả nợ nông dân và giảm bớt tồn kho quá lớn đang xuống cấp theo thời gian. Ước mức tồn kho của Chính phủ nước này còn khoảng 14 – 17 triệu tấn.