Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 8 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính của cả nước giảm gần 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tám tháng đầu năm 2013, xuất khẩu cà phê ước đạt 974.000 tấn, giá trị 2,09 tỉ USD, giảm 23,2% về khối lượng và giảm 22,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012.
Thu hoạch cà phê ở Ðắk Lắk Ảnh: Cao Nguyên
Gạo, cà phê, cao su... giảm mạnh
Giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản 8 tháng đầu năm đạt 17,98 tỉ USD, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính như gạo, cà phê, thủy sản, cao su… ước đạt 8,99 tỉ USD, giảm 11,7%.
Gạo là một trong số các mặt hàng nông sản chính có mức xuất khẩu giảm mạnh nhất: khối lượng xuất khẩu 8 tháng đầu năm ước đạt 4,69 triệu tấn, giá trị 2,05 tỉ USD, giảm 15,7% về khối lượng và giảm 18,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012. Với cà phê, khối lượng xuất khẩu 8 tháng đầu năm ước đạt 974.000 tấn, giá trị 2,09 tỉ USD, giảm 23,2% về khối lượng và giảm 22,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012. Cao su cũng nằm trong nhóm suy giảm mạnh về giá trị và khối lượng xuất khẩu nhưng tốc độ giảm chậm hơn so với gạo và cà phê: giảm 14,1% về giá trị so với cùng kỳ...
Mất mùa, ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu, thị trường bị thu hẹp, cạnh tranh ngày càng gay gắt… là những lý do được đưa ra để lý giải cho việc xuất khẩu giảm. Với mặt hàng gạo, thị trường nhập khẩu chính (Trung Quốc) bước vào vụ thu hoạch, nhu cầu nhập khẩu giảm, trong khi gạo Việt Nam bị cạnh tranh gay gắt bởi gạo Ấn Ðộ và Thái Lan.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng cho biết từ đầu năm đến nay, xuất khẩu thủy sản liên tục gặp khó khăn do nguồn cung nguyên liệu không ổn định, thị trường bị thu hẹp do khó khăn chung của kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, các vụ kiện tụng, trả hàng xảy ra trong thời gian qua cũng ảnh hưởng không nhỏ đến kim ngạch xuất khẩu cũng như thương hiệu thủy sản Việt Nam.
Ðối với mặt hàng cà phê, ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng Thư ký Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), cho rằng ngay từ đầu năm, Vicofa đã dự báo sản lượng cà phê sẽ giảm khoảng 20% do biến đổi khí hậu, mất mùa và thực tế 8 tháng đầu năm, sản lượng đã giảm gần đúng dự báo. Vụ thu hoạch sắp tới cũng sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng. "Ðiều đáng lo là diễn biến giá trên thị trường thế giới đang đi ngược chiều thông lệ. Lẽ ra, thời điểm này đang vào cuối vụ, giá cà phê phải tăng nhưng hiện giá cà phê bình quân trên thế giới đang giảm, vào vụ thu hoạch mới nhiều khả năng còn giảm thêm, gây bất lợi cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu Việt Nam vì đã lỡ mua giá cao, bán giá thấp" - ông Nguyễn Viết Vinh lo lắng.
Những rào cản đáng lo
Tuy nhiên, một nguyên nhân khác ít được nhắc đến khiến xuất khẩu nông sản Việt Nam sụt giảm mạnh thời gian qua là do một số lô hàng xuất khẩu đã bị đối tác trả về do không bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn. Từ đầu năm đến nay, đã nổi lên các vụ đối tác châu Âu trả lại sản phẩm chè do tồn tư chất bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép; thanh long cũng bị cấm thông quan vì bị cho là có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá mức quy định. Hay việc hơn 500 container gạo thơm của Việt Nam bị đối tác trả về vì không đạt tiêu chuẩn (do một số DN ham lợi trước mắt, dùng gạo từ lúa OM 4900 gần giống gạo thơm Jasmine để trộn 2 loại này với nhau khi xuất khẩu); các vụ bơm tạp chất vào tôm dẫn đến nhiều thị trường giảm nhập tôm Việt Nam hoặc trả những lô hàng đã nhập. Ðây chính là hậu quả của việc thiếu kiểm soát chặt chẽ về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong nông nghiệp cũng như kiểu làm ăn qua loa, đối phó với khách hàng của các DN xuất khẩu.
TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng xuất khẩu nông sản Việt Nam giảm mạnh bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Từ cuối năm ngoái đến nay, giá nông sản thế giới vào xu hướng giảm, cung luôn nhiều hơn cầu. Ngoài ra, nội tại nền nông nghiệp Việt Nam đang "có vấn đề". Nông nghiệp Việt Nam có thế mạnh, đặc biệt là cây trồng, nhưng tăng trưởng nông nghiệp 2-3 năm trở lại đây rất chậm. Thực tế này bắt nguồn từ ảnh hưởng của chu kỳ kinh tế nhưng quan trọng hơn là do thể chế cải cách nông nghiệp Việt Nam gần đây không còn phát huy tác dụng, cần phải có những đột phá mới.
Trong các diễn đàn, hội thảo liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều chuyên gia phân tích thực trạng nông sản Việt Nam có tiềm năng lớn nhưng cơ hội xuất khẩu không tương xứng. Theo các chuyên gia, quốc gia nào cũng bảo hộ nông nghiệp nước mình, lập ra các hàng rào kỹ thuật rất chặt để hạn chế hàng nhập khẩu. Ðặc biệt, các yêu cầu, quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, dịch tễ… là rào cản lớn nhất khiến nông sản Việt Nam khó vào được các thị trường lớn. Vì vậy, con đường duy nhất là phải hướng đến một nền sản xuất sạch đang ngày càng trở nên cấp bách.
"Cấp cứu" doanh nghiệp cà phê Theo ông Nguyễn Viết Vinh, hiện các DN xuất khẩu cà phê đang rất khó khăn và cần được "cấp cứu" để qua cơn nguy kịch theo hướng xử lý lại nguồn vốn cho DN thu mua cà phê. Hiện Chính phủ đã đồng ý gia hạn cho vay tín dụng xuất khẩu đối với mặt hàng cà phê và một số mặt hàng nông sản xuất khẩu khác. "Sắp bước vào vụ mới, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là làm sao có chính sách khoanh nợ, giãn nợ cho DN, giải quyết dứt điểm hoàn thuế giá trị gia tăng cho DN có vốn tiếp tục thu mua cà phê xuất khẩu. Hiện nhiều DN còn vài chục đến cả trăm tỉ đồng tiền thuế giá trị gia tăng chưa được hoàn" - ông Nguyễn Viết Vinh bức xúc. |