Trung Quốc có kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi lớn nhất với hơn 62 triệu USD, tiếp đến là Campuchia với gần 46 triệu USD, Malaysia trên 26 triệu USD, Ấn Độ gần 9 triệu USD, Bangladesh gần 1,8 triệu USD, Thái Lan gần 1,4 triệu USD.
Một số quốc gia phát triển như Nhật Bản cũng nhập khẩu gần 20 triệu USD, Hàn Quốc gần 10 triệu USD và Mỹ gần 800.000 USD.
Một lượng không nhỏ thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu xuất khẩu là theo dạng tạm nhập, tái xuất. Tức là nhiều doanh nghiệp xuất khẩu các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như đậu tương… về Việt Nam nhưng là để tái xuất sang một nước khác trong khu vực, chứ không phải để phục vụ toàn bộ cho sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhập khẩu ngô, nguyên liệu chính để chế biến thức ăn chăn nuôi tính đến tháng 7/2014 tăng mạnh so với cùng kỳ. Ước tính khối lượng ngô nhập khẩu trong tháng 7 đạt 230.000 tấn với giá trị đạt 63 triệu USD, đưa khối lượng nhập khẩu mặt hàng này trong 7 tháng qua đạt 2,62 triệu tấn, giá trị nhập khẩu đạt 681 triệu USD. Theo đó, mặt hàng này tăng gấp 2,4 lần về lượng và 1,9 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.
Một số doanh nghiệp xuất khẩu thức ăn chăn nuôi cho biết ngành chăn nuôi của Campuchia đang bắt đầu phát triển nhưng ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi còn sơ khai đã tạo điều kiện cho việc xuất khẩu thức ăn chăn nuôi sang thị trường này. Thị trường Campuchia chủ yếu nhập thức ăn chăn nuôi cho vịt và thức ăn cho heo.
Báo Đồng Nai dẫn lời ông Phạm Đức Bình, cho biết quốc gia được đánh giá là có tiềm năng xuất khẩu thức ăn chăn nuôi tốt nhất của Việt Nam hiện nay là Campuchia. “Hiện đã có nhiều doanh nghiệp xây dựng nhà máy tại Campuchia để sản xuất thức ăn chăn nuôi, vì nếu doanh nghiệp trong nước xuất khẩu cám thành phẩm thông thường sang đây với mức chi phí vận chuyển như hiện nay rất khó cạnh tranh, trong khi đó nhiều nguyên liệu ở Campuchia sản xuất được” - ông Bình nói.
Công ty cổ phần Việt - Pháp (Proconco) cũng đã xây dựng nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi tại Campuchia sản xuất hơn 30.000 tấn/năm để phục vụ cho thị trường này. Ngoài việc tổ chức sản xuất tại Campuchia Proconco còn cung cấp một lượng nhỏ sản phẩm được bán sang thị trường Lào qua cửa khẩu Cầu Treo (tỉnh Hà Tĩnh), chủ yếu là cám dành cho thủy cầm. Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam cũng đã xây dựng nhà máy chế biến để cung cấp ở 2 thị trường Campuchia và Lào.